Để TP HCM thật sự là nơi đáng sống: Nỗ lực an cư cho người lao động

Xây nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, bán đấu giá căn hộ tái định cư... để người lao động được sở hữu chỗ ở phù hợp chính là góp phần làm cho TP HCM thật sự trở thành nơi đáng sống

TP HCM đứng đầu danh sách các địa phương mà người dân cả nước muốn di cư đến - theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Điều này cho thấy sức hấp dẫn của nơi này, xứng danh "đất lành chim đậu".

Dù vậy, nếu muốn trở thành một nơi đáng sống trong trải nghiệm của người dân, TP HCM cần cải thiện nhiều, trong đó có vấn đề về nhà ở cho người lao động.

Tăng nguồn cung nhà ở

TP HCM thu hút khá nhiều thành phần cư dân đến cư ngụ theo nhu cầu việc làm, học tập, đầu tư và hầu hết ai cũng mong được gắn bó lâu dài ở nơi này.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của TP HCM là tổng diện tích nhà ở đạt 50 triệu m2 sàn nhưng đến nay, tổng diện tích xây dựng mới đạt 15,33 triệu m2 (khoảng 30,5%). Trong đó, nhà ở thương mại phát triển 3,9 triệu m2 sàn (25,19%), nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây phát triển 11,38 triệu m2 sàn (35,6%), nhà ở xã hội phát triển 32.668 m2 sàn (1,31%).

Điều này cho thấy thị trường phát triển nhà ở chưa phù hợp nhu cầu thực tế, trong đó có số đông người lao động thiếu nhà ở xã hội.

Sắp tới sẽ có nhiều quy định mới, nhất là khi cả 3 luật liên quan được sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.

TP HCM thuận lợi hơn để tăng nguồn cung bất động sản, nhà ở xã hội nếu lồng ghép ban hành chính sách phù hợp trong quá trình áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98. Như giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng sở, ngành, chính quyền địa phương TP Thủ Đức và quận, huyện quyết định tùy căn cứ nhu cầu mà đặt ra các tiêu chuẩn về diện tích cư trú trung bình.

Giảm tối đa các khâu xét duyệt hành chính, thủ tục rườm rà, diện tích đất công xen cài có thể quy đổi thành tiền theo cơ chế thị trường chuyển nhượng để chuyển khoản thanh toán cho ngân sách. Từ đó, mỗi địa phương tự thống kê, đề ra chế độ chờ nhà ở cho người dân thu nhập trung bình, thu nhập thấp được đưa vào danh sách theo các tiêu chí để xét duyệt theo thứ tự ưu tiên.

Quy hoạch bổ sung các quỹ đất phù hợp làm dự án bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, tính toán đáp ứng nhu cầu tiến trình phát triển dân số. Kể cả bố trí cho các hoạt động công cộng như công viên, trường học, bệnh viện, chợ và siêu thị…

Nhà ở thương mại nên để doanh nghiệp tự do đầu tư, kinh doanh phục vụ nhu cầu tiện ích cao cấp cho những khách hàng có đủ khả năng chi trả, miễn thực hiện đúng quy định pháp luật, quy hoạch sử dụng đất, đóng thuế đầy đủ.

Chính quyền chú trọng hỗ trợ cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của số đông người dân; đưa ra tiêu chuẩn cơ bản, điều kiện được mua. Có chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi cho người dân mua nhà để ở, cung cấp các khoản vốn lưu động cho nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội.

Tăng nguồn cung, kéo giảm giá bán, hỗ trợ vay vốn, giảm thiểu các thủ tục cho dự án sẽ giúp thị trường nhà ở, căn hộ giảm giá phù hợp giá trị thực thì không chỉ người thu nhập thấp mà người thu nhập trung bình cũng có thể chủ động lựa chọn sở hữu chỗ ở phù hợp.

Tiến tới mở rộng phạm vi bảo đảm nhà ở, cơ hội đồng đều cho các thành phần, kể cả sinh viên đến cư trú hay người lao động nhập cư, đều có thể hưởng chế độ mua nhà ở xã hội nhưng không được đầu tư.

TP HCM cần chú trọng hỗ trợ cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của số đông người dân. Ảnh: QUỐC ANH

TP HCM cần chú trọng hỗ trợ cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của số đông người dân. Ảnh: QUỐC ANH

Đấu giá căn hộ tái định cư

Dù thời gian qua TP HCM đã có chủ trương cho đấu giá các căn hộ tái định cư tồn đọng nhưng việc bán với số lượng lớn như cả dự án hoặc theo lô sẽ khó có nhà đầu tư mạo hiểm để kinh doanh. Vì vậy, nên tính đến phương án chia thành các gói nhỏ từ 5 - 10 căn cho những nhà đầu tư nhỏ mua hoặc bán đấu giá từng căn cho người dân có nhu cầu ở thật sự.

Bởi khi bán cho người dân có nhu cầu ở thật sự, nhà nước sẽ thu tiền ngay cho ngân sách; những hộ này về ở nên nhanh chóng hình thành khu dân cư. Nói cách khác, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết những tồn tại, bất cập để bán được các căn hộ tái định cư đang bỏ hoang cho những hộ có nhu cầu thật sự.

Bên cạnh đó, thành phố cần có những giải pháp quyết liệt để triển khai chương trình nhà ở cho người lao động nhập cư. Chẳng hạn có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động tạo lập nhà ở; đầu tư quỹ đất, vốn hỗ trợ triển khai dự án nhà tập thể cho người lao động với các tiêu chuẩn phù hợp.

Giải pháp cốt lõi để tăng nguồn cung cho nhà giá rẻ, phù hợp túi tiền người lao động là phải tạo được sự cạnh tranh trên thị trường. Có cạnh tranh thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng và giảm giá thành; không còn tình trạng xin - cho, có thể thu hút được doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư.

Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp thì phải bố trí diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn...

Đặc biệt, phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để tránh tình trạng đầu cơ, sốt ảo.

Sẽ hiệu quả hơn nếu có sự tính toán đa dạng hóa diện tích sử dụng, nhà nhỏ giá thấp, nhà lớn giá cao hơn để người dân dễ lựa chọn.

Trần Văn Trãi - Chung Thanh Huy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-tp-hcm-that-su-la-noi-dang-song-no-luc-an-cu-cho-nguoi-lao-dong-196240513204753793.htm