Để thoát khỏi tình thế đặc biệt khó khăn, cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, đang có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhưng chưa có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể. DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn kéo theo niềm tin vào triển vọng kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của DN còn mong manh.

Chủ yếu là do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai

Trao đổi với Nhà báo và Công luận về tình hình kinh tế những tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực (Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) nhận định trong tháng 5 kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận một số kết quả tích cực, nhưng khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

 Tiến sĩ Cấn Văn Lực: "Giải pháp hiện nay đang tháo gỡ nhiều khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng chưa có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể". Ảnh: H.Nguyễn

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: "Giải pháp hiện nay đang tháo gỡ nhiều khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng chưa có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể". Ảnh: H.Nguyễn

Báo cáo cho biết: TS. Cấn Văn Lực cho biết: Rà soát tổng thể từ các cuộc khảo sát, các cuộc họp với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề gần đây cho thấy doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính và vốn, về đầu vào đầu ra, lao động và những vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh.

Về tài chính, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp phải lo nghĩa vụ nợ phải trả cho đối tác, khách hàng, nợ đọng lẫn nhau.

Về tiếp cận vốn, các tổ chức tài chính trở nên thận trọng hơn, khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn. Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN vẫn bị thu hẹp do thị trường chứng khoán phục hồi chậm, còn thị trường trái phiếu DN chưa khôi phục được niềm tin.

Tiếp theo, chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay… còn ở mức cao. Đầu ra và nhu cầu thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh.

Khó khăn nữa là vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, DN vừa muốn cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí vừa muốn giữ lao động để phục hồi sản xuất khi tình hình khả quan hơn.

Trong khi đó, hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, khâu thực thi vẫn chậm và yếu. Mà nguyên nhân, theo TS.Cấn Văn Lực: “Một phần là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa đủ rõ ràng, nhưng chủ yếu là do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai, chưa vì cái chung trong khi năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế và khâu phối kết hợp chưa tốt”.

Doanh nghiệp đang ngấm đòn

Những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế đã thể hiện rõ trong số liệu thống kê. Theo số liệu thống kê về tình hình doanh nghiệp, thì dù có cải thiện một chút trong tháng 5/2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm lên tới 88.000 doanh nghiệp tăng đến 22,6%, trong khi số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường là 95.000 doanh nghiệp, giảm 3,7% so với cùng kỳ

“Nguyên nhân đã rõ. Về khách quan, doanh nghiệp đang ngấm đòn. Kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và DN Việt Nam. Chưa kể nhiều doanh nghiệp yếu đi nhiều sau dịch bệnh”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Về nguyên nhân chủ quan, TS. Cấn Văn Lực cho rằng “chủ yếu đến từ môi trường vĩ mô nội tại và bản thân DN”.

Phân tích nguyên nhân chủ quan, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra: “Nền tảng vĩ mô của chúng ta dù đang khá tốt, nhưng sức chịu đựng của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài còn yếu và “tắc nghẽn” trong khâu thực thi chính sách và chỉ đạo của Trung ương, thực hiện các thủ tục hành chính đôi khi còn chậm trễ, thiếu minh bạch, thiếu công khai”.

Bản thân doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều điểm yếu về quản trị, khả năng quản lý rủi ro và phân tích, dự báo tình hình, đầu tư thì dàn trải, dùng đòn bẩy tài chính nhiều. Năng lực cạnh tranh của nhiều DN còn thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp, mức độ không sâu nên dễ bị thay thế, hoặc bị cắt bỏ trong bối cảnh khó khăn.

Điều kiện đủ là giải quyết tâm lý sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Trong bối cảnh khó khăn này, ngay từ đầu năm và cho đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế, tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Cộng đồng doanh nghiêp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Vneconomy.

Cộng đồng doanh nghiêp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Vneconomy.

Nhưng theo TS. Cấn Văn Lực: “Giải pháp hiện nay được đề xuất và đang tháo gỡ nhiều, nhưng chưa có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể”. Ông đề xuất 4 nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc về đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, visa cho du khách và chuyên gia. Không kéo dài việc hoàn thuế VAT. Giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm về chứng khoán, bất động sản thời gian qua. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế…

Đồng thời thực hiện đúng thời hạn và tốt những quyết sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành. Trong gần 3 tháng qua, hàng loạt quyết sách liên quan đến các lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu… cần được nghiêm túc và quyết liệt tổ chức thực hiện.

Tiếp theo là sớm quyết định, ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Theo đó, với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng; cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay.

Với chính sách tài khóa, cần tiếp tục giảm 2% thuế GTGT, với thủ tục gọn, thực hiện nhanh, kịp thời; Và cân nhắc gói cho vay trả lương (lãi suất 0%) như đã thực hiện thời dịch Covid-19. Nên cho chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi 2022-2023 sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội (mới có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV và các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại các địa phương.

Khi nói về giải pháp, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Đặc biệt, mọi quyết sách đều cần được giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài phù hợp nếu không thực hiện”.

Theo ông, những quyết sách này mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là giải quyết được tâm lý sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Cần sớm cụ thể hóa cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, vì cái chung cần sớm được cụ thể hóa và nhất quán, đồng bộ thực hiện. Về lâu dài, chính sách tinh giản bộ máy, nâng cao trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ gắn với cải cách tiền lương là cấp thiết.

Và nhóm giải pháp cuối cùng được TS. Cấn Văn Lực nêu lên là ở phía DN: Bản thân DN cũng cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí, giải quyết đúng các cam kết trả nợ (chấp nhận phải bán tài sản, nếu cần)... DN cũng cần tính cả bài toán dài hạn hơn như chú trọng quản lý rủi ro, chuyển đổi số và xanh hóa bởi đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-thoat-khoi-tinh-the-dac-biet-kho-khan-can-som-ban-hanh-cac-co-che-chinh-sach-bo-sung-post250268.html