Để tàu biển du lịch quốc tế tiện ghé… xứ Huế mộng mơ

Những năm qua, du lịch tàu biển qua cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế) phát triển mạnh đã thu hút lượng lớn du khách quốc tế đến với vùng đất Cố đô. Tuy nhiên, công tác xúc tiến quảng bá và các hoạt động liên quan để thúc đẩy du lịch tàu biển quốc tế tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cần sớm khắc phục.

Nằm ở vị trí trung tâm của miền Trung, Thừa Thiên Huế là điểm kết nối quan trọng trong liên kết du lịch giữa các vùng. Để phát triển du lịch đường biển, tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng đầu tư mở rộng cảng Chân Mây (đóng tại địa bàn xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) trở thành cảng tổng hợp, container, có bến chuyên dùng phục vụ khách du lịch quốc tế. Cảng Chân Mây được xây dựng với độ sâu trước bến -12,5m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 70.000 DWT và tàu khách 225.000 GRT. Đến nay cảng Chân Mây có 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m và đang triển khai thủ tục về xây dựng các bến số 4, 5 với tổng chiều dài 540m.

Du khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế bằng tàu biển qua cảng Chân Mây.

Du khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế bằng tàu biển qua cảng Chân Mây.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2018 đến tháng 6/2023, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu biển du lịch chở 208.390 hành khách cùng 91.282 thuyền viên từ nhiều quốc gia trên thế giới đến và rời cảng Chân Mây. Trong đó có nhiều chuyến tàu biển hạng sang cập cảng Chân Mây như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Viking Ocean Cruise… góp phần khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2022, có 850 khách tàu biển theo tàu đến cảng Chân Mây nhưng 7 tháng đầu năm 2023 có 13.300 khách tàu biển đến cảng, chiếm 44% tổng số khách đến Việt Nam theo đường tàu biển. Đây là tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi du lịch, khởi động lại hoạt động du lịch tàu biển quốc tế đến cảng Chân Mây và dự báo sẽ phục hồi tốt hơn từ sau năm 2023 với minh chứng là các số liệu đã đăng ký qua cảng Chân Mây từ năm 2024 đến năm 2026. Trong đó năm 2024 sẽ đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và hơn 18.000 thuyền viên; năm 2025 đón 26 lượt tàu với gần 30.000 hành khách và hơn 12.000 thuyền viên; năm 2026 đón 7 lượt tàu với 18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết vẫn còn một số bất cập, hạn chế liên quan đến hoạt động du lịch tàu biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp. Công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tàu biển chưa được đầu tư hiệu quả, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành du lịch tàu biển. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng đặt đáy và lưới của ngư dân khai thác tôm hùm con trong luồng tàu, vũng quay tàu và vùng đậu tàu cảng Chân Mây gây mất an toàn hàng hải. Một số tàu khách du lịch phải neo chờ để các đáy, lưới được tháo dỡ mới cập cầu cảng hoặc rời cảng, ảnh hưởng đến an toàn cho tàu, hành khách và kế hoạch khai thác du lịch tàu biển.

Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, hiện phía ngoài cổng cảng Chân Mây chưa có bãi đỗ dành cho các phương tiện nên dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn khi phương tiện vào đón khách du lịch, gây khó khăn trong công tác kiểm soát, sắp xếp, điều phối phương tiện vào cảng đón và trả khách du lịch.

"Từ vị trí neo đậu của tàu khách du lịch đến vị trí đỗ xe rất xa nhưng không có xe trung chuyển, ảnh hưởng đến thời gian tham quan du lịch của hành khách. Bên cạnh đó, cảng chưa có khu vực nhà ga chuyên biệt hoặc không gian có mái che để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ tham quan du lịch. Mặt khác, dù đã đầu tư bổ sung nhiều loại hình sản phẩm khác nhau để phục vụ khách du lịch tàu biển nhưng hiện tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn thiếu những cụm mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, chưa có sự nghiên cứu bài bản các sản phẩm du lịch dành cho đối tượng khách du lịch tàu biển. Vì thế chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, sớm tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kể trên để phát triển du lịch tàu biển, phục vụ du khách quốc tế đến cảng Chân Mây được tốt hơn", đại diện một doanh nghiệp khai thác khách du lịch tại cảng Chân Mây chia sẻ.

Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt phát huy thế mạnh cảng Chân Mây, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ngành du lịch và các đơn vị, sở ngành liên quan cần tận dụng những cơ hội thu hút khách du lịch tàu biển. Đặc biệt cần có những định hướng phát triển cụ thể về đầu tư cảng biển, thị trường nguồn khách tàu biển, xúc tiến quảng bá có hiệu quả về du lịch tàu biển. Cần cải tiến thủ tục hành chính, thủ tục hải quan và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch tàu biển, tăng cường công tác quản lý điểm đến. Tạo cơ chế chính sách cũng như đảm bảo an toàn, an ninh, tạo thuận lợi tối đa cho du khách đi tàu biển.

"Cùng với đó cần có giải pháp kéo dài thời gian lưu trú của du khách sử dụng các dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ du khách đi tàu biển. Qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Cố đô Huế đến với du khách trong và ngoài nước", ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/de-tau-bien-du-lich-quoc-te-tien-ghe-xu-hue-mong-mo-i709094/