Để tạo sức hút cho 'Tủ sách pháp luật'

Tủ sách pháp luật đã góp phần quan trọng duy trì và phát triển văn hóa đọc được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Câu hỏi đặt ra là, cần làm gì để tạo sức hút cho Tủ sách pháp luật khi người đọc tiếp cận thông tin qua internet đang ngày càng chiếm ưu thế?

Nhiều mô hình tuyên truyền hiệu quả

Sách pháp luật là kênh thông tin hữu ích cung cấp kiến thức pháp luật đối với người dân. Việc phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân được xem là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường pháp chế Xã hội Chủ nghĩa.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên, sách pháp luật là công cụ quan trọng, là phương tiện để thông tin pháp luật, PBGDPL, đưa tri thức pháp luật đến với người dân.

Thực tế cho thấy, hiện nay, sách pháp luật rất đa dạng, phong phú, đòi hỏi các hoạt động PBGDPL cũng cần có nhiều hình thức sáng tạo để góp phần đưa tri thức đến người dân một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thời gian qua, các cơ quan, địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền PBGDPL hiệu quả thông qua hình thức “Tủ sách cộng đồng”; “Quán cà phê pháp luật”…

Chia sẻ về hiệu quả thiết thực từ việc tuyên truyền “Quán cà phê pháp luật” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang Đồng Việt Phương cho biết, mô hình này được thành lập từ năm 2019 ở nhiều địa phương, đơn vị nhằm phổ biến sâu rộng các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật đến cán bộ công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Mô hình “Quán cà phê pháp luật” được thành lập từ 7 - 10 thành viên. Theo đó, một tủ sách pháp luật sẽ được đặt tại quán cà phê có đông người qua lại để khách có thể đọc miễn phí. Mỗi quý, Ban Chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt một lần, qua đó thành viên của mô hình sẽ tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè và khách đến quán tìm đọc, tham khảo các loại sách, báo tại đây để nâng cao hiểu biết pháp luật. Đồng thời tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Tại các điểm “Quán cà phê pháp luật” hàng ngày có từ 10 - 15 lượt người đến uống cà phê và xem sách báo, tài liệu pháp luật.

Mô hình “Quán cà phê pháp luật” là một ý tưởng mới, gần gũi với bà con nông dân hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tìm hiểu pháp luật. Đây cũng là mô hình hoạt động hiệu quả, là cách làm hay trong công tác tuyên truyền pháp luật. Ngoài ra, đây cũng là nơi để người dân có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong đời sống, nâng cao kiến thức pháp luật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang Đồng Việt Phương nhận định.

Bên cạnh “Quán cà phê pháp luật”, thì “Tủ sách cộng đồng” tại làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cũng là mô hình cần lan tỏa nhân rộng trong cộng đồng.

Theo bà Vũ Thị Nga, Sở Tư pháp, tỉnh Hải Dương, “Tủ sách cộng đồng” được thành lập từ năm 2009, khởi nguồn là tủ sách của dòng họ Vũ/Võ làng Mộ Trạch để phục vụ các thành viên trong dòng họ nghiên cứu, tham khảo, nguồn sách này do con cháu trong dòng họ từ khắp mọi miền Tổ quốc quyên góp. Tủ sách được đặt tại Nhà Văn hóa của làng. Sau khi ra mắt, “Tủ sách cộng đồng” làng Mộ Trạch mở cửa các ngày trong tuần để đón bà con đến đọc sách. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật ngoài thời gian mở cửa ban ngày, còn mở cửa thêm 2 giờ buổi tối để phục vụ nhu cầu đọc sách của bà con, đặc biệt là các cháu học sinh, thanh niên, thiếu niên. “Tủ sách do ông Vũ Quốc Ái, 78 tuổi, thương binh hạng 1/4, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của làng Mộ Trạch làm thủ thư từ khi tủ sách ra mắt cho đến nay”, bà Nga cho biết thêm.

Tính đến nay, “Tủ sách cộng đồng” của làng Mộ Trạch có trên 1.500 đầu sách, với đủ các thể loại như: sách pháp luật, sách lịch sử, văn học, y học, khuyến nông, sách cho thiếu nhi… “Tủ sách cộng đồng” của làng đã thu hút đông đảo bà con, thanh niên, thiếu niên, học sinh và trở thành kênh thông tin quan trọng đối với người dân của làng, đặc biệt đối với những hộ còn khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin. Bình quân khi mới ra mắt tủ sách, mỗi ngày có 30 người đến đọc, mượn sách mỗi ngày. “Tủ sách cộng đồng” của làng Mộ Trạch cũng đã trở thành mô hình được nhiều làng, thôn, dân cư trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Ngoài ra, “Tủ sách pháp luật tại chùa Khmer” tại Sóc Trăng cũng là một trong những mô hình tuyên truyền pháp luật khá hiệu quả. Là tỉnh có 35,44% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã chọn 12 chùa Khmer tiêu biểu để tặng 12 tủ sách pháp luật với trên 3.500 đầu sách pháp luật giúp cho các vị sư sãi, bà con phật tử Khmer tìm hiểu, nghiên cứu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đây là một trong những cách làm hay, hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, địa bàn

Trongbối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang phát triển mạnh mẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức tiếp cận thông tin pháp luật thì văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc sách pháp luật nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho rằng, số lượng người tìm đọc sách pháp luật chưa nhiều.

Cùng chung nhận định này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang Đồng Việt Phương cho rằng, văn hóa đọc, nhất là đọc sách pháp luật trong nhân dân hiện nay đang giảm sút. Tình trạng lười đọc sách, ngại đọc sách pháp luật trong một bộ phận người dân nhất là trong thanh niên, thiếu niên. “Đặc biệt, trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển, người dân có xu hướng đọc trên môi trường mạng nhiều hơn là đọc trên sách”, ông Phương nói.

Lĩnh vực pháp luật là một lĩnh vực khá đặc thù, bởi đây là lĩnh vực vừa “khô khan” vừa khó. Do đó, đòi hỏi việc tuyên truyền PBGDPL cần có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cần phát huy vai trò của “Tủ sách cộng đồng”.

Theo ông Đồng Việt Phương, công tác xây dựng mô hình PBGDPL nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói riêng cần tiếp tục được đổi mới, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực. Theo đó, xây dựng các mô hình PBGDPL như: “Quán cà phê pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Cà phê doanh nhân”… Qua đó, đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống. Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác PBGDPL.

Chia sẻ từ thực tiễn làm công tác PBGDPL, Thượng tá Lương Khắc Của, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên Phòng cho rằng, cần tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng cơ quan và trình độ dân trí của từng vùng, từng tuyến biên giới.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/de-tao-suc-hut-cho-tu-sach-phap-luat-i367534/