Để sông Cầu mãi xanh

Mặc dù đã được quan tâm bảo vệ, nhưng do ảnh hưởng của lũ lụt, xói mòn đất và các nguồn thải, thời gian qua, chất lượng nguồn nước sông Cầu có dấu hiệu suy giảm. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững sông Cầu.

Là con sông chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, sông Cầu giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù đã được quan tâm bảo vệ, nhưng do ảnh hưởng của lũ lụt, xói mòn đất và các nguồn thải, thời gian qua, chất lượng nguồn nước sông Cầu có dấu hiệu suy giảm. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu...

Sông Cầu đoạn chảy qua khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên.

Nguy cơ ô nhiễm và khô hạn

Sông Cầu bắt nguồn từ vùng núi Bằng Viễn, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Sông bắt đầu chảy vào Thái Nguyên từ xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và ra khỏi địa bàn tỉnh ở phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên.

Tại tỉnh Thái Nguyên, sông Cầu có nhiều phụ lưu, trong đó đáng kể nhất là sông Đu, sông Nghinh Tường và sông Công.

Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Thái nguyên có mật độ sông suối khá cao, chảy qua nhiều khu vực dân cư, sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, khai thác khoáng sản, do đó tiếp nhận nhiều nguồn nước thải.

Nơi thượng nguồn chảy vào tỉnh, sông Cầu trở thành điểm đón nguồn nước thải từ các khu vực khai thác, nhà máy chế biến, xử lý khoáng sản tại huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai...

Những khu vực khác cũng ghi nhận có tình trạng ô nhiễm tại các sông, suối, kênh chảy vào sông Cầu, như: suối Mỏ Bạch, Đồng Danh, Phố Hương, Xương Rồng… trên địa bàn TP. Thái Nguyên; sông Đu đoạn chảy qua huyện Đại Từ hay tình trạng rác thải trên các tuyến kênh đổ nước vào sông Công…

Ông Trần Văn Thoa, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), phản ánh: Tình trạng ô nhiễm suối Mỏ Bạch có từ lâu, nhiều đoạn dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Nguồn nước này vẫn ngày ngày đổ vào sông Cầu…

Nguồn nước bị ô nhiễm nặng của suối Đồng Danh (TP. Thái Nguyên) vẫn ngày ngày đổ ra sông Cầu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lưu vực sông Cầu có trên 4.000 nguồn thải, trong đó, tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.000 nguồn thải. Những năm gần đây, nhiều nguồn thải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được xử lý, tuy nhiên, hầu hết nước thải từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Đây là những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Cầu.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là mực nước sông Cầu đang có xu hướng giảm dần. Thời điểm tháng 3-2021, nước sông Cầu thấp đến mức đoạn từ cầu Ba Đa xuống đến xã Nhã Lộng (Phú Bình) cạn trơ đáy, người dân có thể đi bộ dưới lòng sông.

Hiện, chưa có nghiên cứu, công bố cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sống lâu năm hai bên bờ, mực nước sông Cầu thấp hơn đáng kể so với vài chục năm trước đây. Bà Đỗ Thị Nguyên, gần 70 tuổi, ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất sát sông Cầu, thường sử dụng nước sông tưới rau màu nên cảm nhận rõ tình trạng sông cạn nước hơn trước đây, nhất là vào cuối mùa Đông, đầu mùa Xuân…

Cần tiếp tục bảo vệ

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu được thành lập năm 2008 với 6 tỉnh thành viên là Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Giai đoạn 2006 - 2020, Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu được triển khai dưới sự điều hành, chỉ đạo của Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực thực hiện Đề án và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để kiểm soát các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh với 5 tỉnh, thành phố giáp ranh với Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo theo dõi công tác BVMT trên địa bàn, xác định có 3 tỉnh, thành phố có khả năng xảy ra các vấn đề môi trường liên tỉnh và đặt các điểm quan trắc nguồn nước trong mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ, quan trắc tự động nước mặt tại những điểm giáp ranh trước khi chảy vào và sau khi chảy ra khỏi địa phận tỉnh để theo dõi, giám sát.

Qua theo dõi kết quả quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện các nguy cơ ô nhiễm xâm nhập tỉnh Thái Nguyên, nên đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn; đồng thời báo cáo UBND tỉnh và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo kiểm tra, xử lý, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, theo dõi, kiểm soát nguồn thải, đặc biệt là khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép tại khu vực giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên.

Về xử lý các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường tuyên tuyền, triển khai nhiều hoạt động vệ sinh, BVMT nguồn nước, sông suối. Việc xử lý các nguồn thải được thực hiện theo nội dung hồ sơ môi trường của dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật BVMT.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, khu dân cư, khu đô thị thực hiện đầy đủ việc thu gom xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam về nước thải trước khi thải ra môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ kết quả quan trắc môi trường định kỳ trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện theo mạng lưới quan trắc được UBND tỉnh phê duyệt, hiện nay, chất lượng nước sông Cầu đảm bảo sử dụng cho mục đích tưới tiêu.

Tuy nhiên, để tiếp tục bảo vệ sông Cầu trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân cần chung tay, đồng lòng thực hiện những giải pháp quản lý, hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm ra sông, suối, môi trường. Công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng cũng cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để giữ ổn định mực nước sông Cầu.

Chung tay gìn giữ môi trường

Để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về BVMT của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành trong công tác BVMT.

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, hạ tầng kỹ thuật BVMT của tỉnh được quan tâm đầu tư; ý thức chấp hành pháp luật BVMT của người dân và doanh nghiệp đang dần được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về BVMT được tăng cường và phát huy hiệu quả; chất lượng nước lưu vực sông Cầu có xu hướng được cải thiện rõ rệt…

Một số chỉ tiêu về môi trường của Đề án BVMT được nâng cao, như: Nước thải đô thị được xử lý; khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phân loại rác thải tại nguồn, quan trắc môi trường tự động, xử lý chất thải nguy hại, xử lý chất thải y tế…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202307/de-song-cau-mai-xanh-4a20a95/