Để sinh viên nhanh trở lại nhịp sống học tập và làm việc sau Tết – Lời khuyên từ chuyên gia tâm lý

'Chưa quen' với cường độ học tập và làm việc, sao nhãng vì người đi học, người vẫn được nghỉ hay 'còn mùng là còn Tết' là những trạng thái tâm lý khiến nhiều sinh viên rơi vào tình trạng 'Uể oải sau nghỉ lễ'.

Minh Ánh hiện đang là sinh viên năm 3 tại Hà Nội, dù ngày quay trở lại trường còn xa nhưng Ánh quyết định lên thủ đô sớm để lấy lại tinh thần, làm quen dần với nhịp sống trước đó. Ánh chia sẻ: “Mình thấy không có động lực, không muốn làm gì hết. Mình cứ có cảm giác là chưa hết Tết, có chút luyến tiếc không khí gia đình và đặc biệt là thèm sự thảnh thơi, không phải suy nghĩ điều gì. Mình quay lại Hà Nội sớm để làm dần công việc vì sợ phải đối mặt với một đống deadline nếu quay lại sát ngày học”.

Sinh viên các trường bắt đầu trở lại học tập, từ ngày 19/2, trong khi một số trường bắt đầu vào 26/2. (Ảnh minh họa)

Còn với Tú Chi (20 tuổi, sinh viên), dù đã bắt đầu lịch học được gần một tuần nhưng Chi vẫn “chưa quen” với tiến độ học tập, làm việc vì nhiều yếu tố gây “sao nhãng”. “Trường của mình bắt đầu quay trở lại học tập khá sớm, trong khi các bạn của mình học tại trường khác vẫn thảnh thơi du xuân, vui chơi. Các bạn rủ đi ăn uống, du lịch làm mình thấy phân tâm, cảm giác chưa hết Tết nên cũng muốn vui vẻ, xả hơi như bạn bè. Đi học mình chỉ muốn nhanh chóng đến giờ về.”

Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Hải Uyên đã có những trao đổi với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam – báo Tiền Phong về thực trạng này và đưa ra những hướng dẫn giúp sinh viên nhanh trở lại với “đường đua” học tập và làm việc.

Ths Nguyễn Hải Uyên chia sẻ: “Biểu hiện này thường được gọi là tình trạng “Holiday blue” (tạm hiểu là trầm cảm ngày lễ). Thực chất, sự uể oải không đến từ sau Tết, mà đã hình thành và bộc lộ từ nửa cuối giai đoạn kỳ nghỉ và kéo dài cho đến cả sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Trong kỳ nghỉ, đan xen với những giai đoạn vui vẻ đã có những giai đoạn trầm buồn.

Một số yếu tố dẫn đến trầm cảm ngày lễ là: nhịp độ ăn và ngủ thiếu điều độ do những sinh hoạt của ngày nghỉ Tết, nỗi lo về việc đã tiêu xài một khoản chi phí cho sắm Tết, những kỳ vọng về việc sẽ xây dựng được thói quen mới sau nghỉ Tết khiến cá nhân trong quá trình tận hưởng vẫn có những nhịp trầm. Bên cạnh đó, chúng ta chịu ảnh hưởng bởi tính ì tâm lý, khi cơ thể đang trong giai đoạn nghỉ ngơi dài và chưa đủ sẵn sàng để thay đổi sang một trạng thái khác.”

Lịch nghỉ Tết của các trường đại học có sự chênh lệch lớn, điều này có tạo tâm lý uể oải cho sinh viên hay không?

“Sự ảnh hưởng tâm lý qua lại giữa các tập thể là tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội lan truyền thông tin nhanh và thuận lợi kéo theo sự lây lan tâm lý như hiện nay. Sinh viên có thể bị ảnh hưởng sự so sánh, chán nản từ bình luận của những người bạn chưa từng gặp mặt trên các trang confession, các diễn đàn có sự tham gia của sinh viên nhiều trường.

Ths Nguyễn Hải Uyên là chuyên gia Tâm lý với nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần ở các trường học, trung tâm giáo dục, bệnh viện và tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, tâm lý mỗi cá nhân vẫn có tính chủ thể và khác biệt. Trong cùng một ảnh hưởng khi thấy bạn bè mình vẫn nghỉ Tết, có nhóm sinh viên cho rằng đó là sự không hợp lý, nhưng cũng có nhóm sinh viên cho rằng đó là điều phù hợp, mong chờ được học tập trở lại vì đã ngao ngán kỳ nghỉ dài. Nhìn chung, sự khác nhau trong lịch nghỉ là một yếu tố nhỏ đóng góp vào tình trạng uể oải, phần lớn hơn là các khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, tự tạo động lực và lập kế hoạch ở sinh viên.” - Ths Nguyễn Hải Uyên chia sẻ.

Những gợi ý để nhanh “bắt nhịp” với cuộc sống học tập, lao động sau Tết

Gợi ý với cá nhân:

1. Bắt nhịp từng chút một: Tâm lý chúng ta có cơ chế né tránh, nghĩa là khi chưa sẵn sàng, cảm thấy lo lắng hoặc khó khăn, chúng ta sẽ tạm gác lại. Đây là yếu tố khiến sự uể oải kéo dài kéo theo cả cảm giác ám ảnh với những nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có cơ chế thích ứng, nghĩa là khi chia nhỏ để làm quen lại từng chút một với các nhiệm vụ khó, chúng ta sẽ thấy ít trở ngại và sẵn sàng hơn. Vì vậy, bạn có thể chia nhỏ các nhiệm vụ làm việc, bắt đầu bằng những khoảng thời gian ngắn xen lẫn nghỉ ngơi.

2. Có sự đồng hành: Nhờ sự giúp đỡ góp sức của người khác trong nhiệm vụ hoặc tìm một người bạn cùng “vượt sướng sau Tết” để gia tăng tính cam kết của bản thân.

3. Điều chỉnh kỳ vọng: Đôi khi chúng ta trì hoãn một việc vì chúng ta muốn khi bắt tay vào điều này phải thật hoàn hảo, nhưng thực chất không nhất thiết phải như vậy. Việc thay đổi kỳ vọng về tiến độ, chất lượng việc học, việc làm có thể giúp bạn ít cảm thấy “sợ” cảm giác bắt đầu hơn.

4. Kiên nhẫn với bản thân: Tình trạng trầm cảm ngày lễ chỉ có một đợt ngắn, và sẽ qua đi khi cá nhân làm quen lại với đời sống hằng ngày.

Gợi ý cho nhà trường:

1. Phá vỡ sức ỳ của sinh viên qua các hoạt động thi đua, ngoại khóa từ Đoàn – Hội, đối với giảng viên hoặc các khoa bộ môn cần hỗ trợ sinh viên tái tạo động lực học tập qua các hình thức ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng.

2. Kết nối sinh viên đến các nguồn hỗ trợ như câu lạc bộ, đội, nhóm, xây dựng các mô hình mentor cho sinh viên khóa trước hỗ trợ khóa sau.

3. Hạn chế đưa ra những nhiệm vụ học tập quá gay gắt và khó khăn ở thời điểm mới trở lại sau Tết; tuy nhiên vẫn cần thiết xây dựng lại và nhắc nhở lại các quy tắc trong trường, lớp.

Gợi ý cho doanh nghiệp trẻ:

1. Làm nóng dần bộ máy: Một số doanh nghiệp đã làm tốt điều này khi họ sẽ mời gọi nhân viên dùng tân niên, thảo luận một phần rất nhỏ của công việc trước ngày làm việc chính thức để tạo dựng tâm thế.

2. Phá vỡ sức ì bằng một số hoạt động vận động chung.

3. Đây là thời điểm chuyển việc của nhiều nhân sự, vì vậy doanh nghiệp cũng cần lưu ý về sự lây lan tâm lý khi có một nhân sự của bộ phận rời đi, hoặc có thông tin về cá nhân nộp đơn xin nghỉ việc được lan truyền.

Lê Vượng – Minh Toàn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/de-sinh-vien-nhanh-tro-lai-nhip-song-hoc-tap-va-lam-viec-sau-tet-loi-khuyen-tu-chuyen-gia-tam-ly-post1614789.tpo