Để phụ nữ tự tin, làm chủ kinh tế

Nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, khẳng định bản thân trong xã hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025' (gọi tắt là Đề án 939). Qua đó, giúp phụ nữ vượt qua rào cản tâm lý, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của bản thân.

Mạnh dạn đầu tư, khởi sự kinh doanh
Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng nho hạ đen của chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1983) ở thôn Cầu Đen, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) vào một ngày cuối tháng Ba. Những cành nho được dán giấy đánh dấu thời gian sinh trưởng. Để cây rụng lá theo đúng chu kỳ sinh trưởng, chị trải ni lông trên nền ruộng để ngăn thấm nước, việc cắt tỉa cành cũng được thực hiện đúng quy trình. Kiến thức này chị Hòa được hướng dẫn khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp do Hội LHPN xã phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Hòa (ngoài cùng, bên phải) ở thôn Cầu Đen, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) giới thiệu mô hình nho hạ đen của gia đình.

Trước đây, gia đình chị Hòa có gần 1 ha đất nhưng để trống do chưa tìm được cây trồng phù hợp canh tác. Năm 2021, Hội LHPN xã phối hợp với một số đơn vị tư vấn, động viên chị Hòa triển khai mô hình sản xuất nho hạ đen. Tham gia mô hình, chị Hòa được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, Hội LHPN xã bảo lãnh cho vay 100 triệu đồng theo chương trình Đề án 939. Tháng 3/2021, chị mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới rộng 0,5 ha với 500 cây nho hạ đen. Mô hình này mang lại thu nhập cho gia đình chị từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Đến nay, diện tích nho hạ đen được gia đình chị mở rộng lên 1,5 ha.
Cũng giống như chị Hòa, chị Nguyễn Thị Uyên ở thôn Tư Mại, xã Tư Mại (Yên Dũng) nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Hội LHPN xã trong sản xuất, kinh doanh. Chị bắt đầu khởi nghiệp từ nuôi cấy đông trùng hạ thảo đầu năm 2022. Chị Uyên chia sẻ: “Nhiều năm xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), tôi làm việc cho một gia đình có phòng khám Đông - Tây y nên biết đến tác dụng của đông trùng hạ thảo. Đây là loại dược liệu quý, được nhiều người tin dùng và có tiềm năng phát triển, vì vậy, ngay khi về nước tôi đầu tư mô hình này”.

Tháng 1/2023, chị Uyên được tư vấn, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên do chị làm giám đốc và thực hiện quy trình chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn hỗ trợ chị đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Sau gần 2 năm, gia đình chị mở rộng diện tích nuôi cấy lên gấp 3 lần (180 m2) so với ban đầu. Năm 2023, trừ chi phí, gia đình chị thu về hơn 300 triệu đồng từ các sản phẩm đông trùng hạ thảo. Năm nay, chị tiếp tục được Hội LHPN xã bảo lãnh vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất. Không chỉ có thu nhập ổn định, chị Uyên còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động và gần 20 lao động thời vụ.

Ngoài các mô hình trên, triển khai Đề án 939, bằng các nguồn lực, năm 2023, các cấp hội đã kết nối, phối hợp hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cho gần 400 hội viên bằng hình thức cho vay vốn, hỗ trợ sinh kế. Nổi bật như: Hội LHPN huyện Yên Thế hỗ trợ 19 hội viên, huyện Sơn Động hỗ trợ 26 hội viên khởi nghiệp, khởi sự; huyện Yên Dũng hiện thực hóa 120 ý tưởng kinh doanh cho hội viên...
Nhiều cách hỗ trợ

Việc triển khai Đề án 939 đã giúp hàng nghìn hội viên tự chủ kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua đó, giúp chị em tự tin phát huy khả năng của bản thân, tạo dựng vị thế của mình trong xã hội. Với mục đích khơi dậy tinh thần sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi và có hình thức hỗ trợ hội viên như: Kinh phí dự thi, triển khai ý tưởng, dự án, hồ sơ tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh... Năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 1 ý tưởng đoạt giải Nhì vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc và 2 dự án lọt vào vòng bán kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.

Nhằm hỗ trợ các mô hình kinh tế phát triển bền vững, Hội LHPN các cấp còn hướng dẫn hội viên thủ tục đăng ký nhãn

Năm 2023, các cấp hội đã kết nối, phối hợp hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cho gần 400 hội viên; hỗ trợ vay vốn và phương tiện sinh kế cho 270 hội viên phụ nữ với tổng số tiền 18,9 tỷ đồng. Đồng thời, đưa gần 70 lượt sản phẩm của 18 doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ tham gia trưng bày, quảng bá giới thiệu, xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong, ngoài tỉnh.

hiệu, thành lập HTX và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Năm 2023, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các sở, ngành đưa gần 70 lượt sản phẩm của 18 doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ nhãn hiệu, bao bì, tem mác sản phẩm, xây dựng website thương mại điện tử, đào tạo nhân lực cho 25 lượt cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP do phụ nữ quản lý. Các cấp hội trong tỉnh còn hỗ trợ 14 chị đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.

Tiếp tục triển khai Đề án 939, năm 2024, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với một số đơn vị, địa phương khảo sát, xây dựng mô hình khởi nghiệp điểm dựa vào đặc điểm vùng miền, đối tượng để nhân rộng. Phấn đấu thành lập ít nhất 1 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ và đào tạo, bồi dưỡng nghề cho ít nhất 2,4 nghìn lao động nữ.

Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, hằng năm, đơn vị tổ chức đánh giá về hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách của Đề án. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hình thành chuỗi từ ý tưởng sản xuất, tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Quá trình triển khai Đề án 939 gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/de-phu-nu-tu-tin-lam-chu-kinh-te-075432.bbg