Để phân kỳ đầu tư thật sự hiệu quả

Dù được đưa vào khai thác được một thời gian nhưng nhiều tuyến cao tốc là dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông vẫn còn thiếu rất nhiều hạng mục. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng giống nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã đưa vào khai thác nhưng còn nhiều bất cập, thiếu hạng mục.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng giống nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã đưa vào khai thác nhưng còn nhiều bất cập, thiếu hạng mục.

Nguy cơ thiếu an toàn, tài xế lo lắng

Mới đây, doanh nghiệp dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020) lên tiếng thừa nhận đơn vị thi công chưa hoàn thiện hạng mục phụ trợ gần 2km cao tốc qua các xã: Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông và Cam Hiệp Nam.

Theo đơn vị này, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do một số hộ dân chưa đồng thuận nên thiếu mặt bằng để thi công. Cụ thể là tại phạm vi hai bên mố cầu vượt trên địa bàn xã Suối Tân (huyện Cam Lâm), người dân tự ý dựng hàng rào trong phạm vi GPMB đã bàn giao cho dự án.

Bên cạnh đó, vị trí đường 2 đầu cầu vượt có đường điện cao thế 220kV không đảm bảo chiều cao tĩnh không, gây mất an toàn trong quá trình lưu thông của người dân và phương tiện qua lại.

Ngoài ra, hệ thống đường gom tuy đã cơ bản hoàn thiện nhưng còn hai đoạn khu vực giao với QL27B qua TP Cam Ranh do thay đổi cao độ mặt đường nên phải GPMB bổ sung (khoảng gần 300m2).

Trên thực tế, những tồn tại trên cũng là điều được nhiều tài xế đi trên cao tốc Nha Trang – Cam Lâm phản ánh trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là tình trạng nhiều hạng mục phụ trợ, hàng rào bảo vệ... vẫn chưa thể hoàn thành.

Đơn cử như bên trái tuyến đoạn Km53, Km54 hàng trăm mét hàng rào bảo vệ cao tốc vẫn chưa được lắp đặt. Khoảng cách từ hộ lan tuyến cao tốc này đến vườn, rẫy của người dân vẫn chưa bị ngăn cách bởi những tấm rào kẽm.

Hay như phía bên trái từ Km46+00-Km47+00 (qua xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh); Km34+600 (trái tuyến, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm), khoảng cách giữa rẫy của người dân và hành lang bảo vệ tuyến cao tốc chưa có hàng rào ngăn cách.

Những tồn tại trên khiến nhiều tài xế khi đi trên tuyến cao tốc này thường xuyên phải chú quan sát bởi hàng rào bảo vệ chưa có, trong khi rẫy của dân trồng rất nhiều cây lâu năm, gia súc chăn thả trong rẫy cũng nhiều. Nhất là vào ban đêm, nguy cơ mất ATGT lại càng lớn hơn.

Việc chưa đạt chuẩn hoặc thiếu nhiều hạng múc khiến một số tuyến cao tốc dù đã khai thác nhưng hiệu quả chưa cao.

Việc chưa đạt chuẩn hoặc thiếu nhiều hạng múc khiến một số tuyến cao tốc dù đã khai thác nhưng hiệu quả chưa cao.

Tình trạng chung

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm không phải là tuyến cao tốc duy nhất thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang tồn tại nhiều bất cập, thiếu hạng mục dù đã được đưa vào khai thác.

Mới đây, trong Công văn gửi Bộ GTVT đề nghị khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, Bộ Công an đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tại nhiều tuyến cao tốc này.

Đơn cử tại cao tốc La Sơn – Cam Lộ, Bộ Công an đã phát hiện 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như: không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế,... trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác.

Nhiều tuyến cao tốc như Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận cũng xảy ra hàng loạt vấn đề. Có thể kể đến là việc dù được xây dựng 4 làn đường xe chạy, với dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến mà khoảng cách 4 - 5km bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp.

Ngoài ra, phía Bộ Công an cũng đánh giá tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại, bất hợp lý, xuất hiện tình trạng như: thiếu người trực chốt, hệ thống hàng rào lưới thép còn nhiều vị trí chưa khép kín nên người dân vẫn có thể tự ý đi bộ, điều khiển xe môtô, xe ba gác vào tuyến cao tốc, gia súc đi trên cao tốc. Điển hình là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Vĩnh Hảo - Phan và Thiết - Dầu Giây.

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thì vừa khai thác hoạt động giao thông vừa thi công. Thậm chí còn tháo dỡ hộ lan để phương tiện chở vật liệu đi từ cao tốc xuống đường gom, thi công đường gom gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đặc biệt, tuyến Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Km25+300-Km25+400) bị ngập sâu do mưa ngày 29/7/2023 làm phương tiện không lưu thông được, gây ùn tắc giao thông kéo dài.

Mặt khác, trên một số tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, chưa bố trí được trụ sở làm việc, bãi tạm giữ phương tiện, nơi tiếp dân, xử lý vi phạm theo quy định gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Các chuyên gia khẳng định, phân kỳ đầu tư là chủ trương đúng nhưng phải làm sao để đạt hiệu quả cao nhất.

Các chuyên gia khẳng định, phân kỳ đầu tư là chủ trương đúng nhưng phải làm sao để đạt hiệu quả cao nhất.

Phân kỳ đầu tư phải đảm bảo hiệu quả cao

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An ngày diễn ra vào đầu tháng 9/2023 về một số bất cập tại các tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã đưa vào khai thác, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu gấp rút thực hiện đồng bộ hệ thống đường gom để bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác và hệ thống nút giao an toàn giao thông. “Phải bổ sung, nhập nhập cho đầy đủ” – ông Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Đối với tình trạng thiếu đường gom, cầu dân sinh tại một số tuyến cao tốc, ông Lê Đình Thọ cho hay, cái này cần phải đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tới, phải bổ sung vào, thiếu thì phải bổ sung, chưa hoàn thiện cũng phải tiếp tục bổ sung vào cho hoàn thiện.

Mục tiêu đưa ra ta còn rất lớn. Đây mới chỉ là bước đầu thôi nhưng phải rất khẩn trương, rút ra bài học kinh nghiệp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, và vấn đề vốn, thủ tục hành chính để làm sao phối kết hợp để đẩy nhanh, đáp ứng được tiến độ đạt mục tiêu năm 2025 có 3.000km cao tốc và năm 2030 có 5.000km cao tốc Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúng ta cố gắng. Đây là bài học cho chúng ta khi triển khai đường cao tốc là phải đồng bộ từ vấn đề đường, hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ tống giao thông thông minh ITS, hệ thống đường gom dân sinh, nút giao, phân bố lại không gian phát triển…” – ông Lê Đình Thọ nói.

Đối với tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc còn thấp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, tốc độ khai thác đang thực hiện theo tiêu chuẩn và quy trình khai thác. “Đây là giữa vận tốc thiết kế và vận tốc khai thác, qua thời gian đánh giá sẽ xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp, tăng năng lực vận hành. Còn thời gian điều chỉnh sẽ có đánh giá lại trước khi thực hiện” – ông Lê Đình Thọ cho biết.

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, phân kỳ đầu tư dựa trên lưu lượng phương tiện và nguồn vốn đầu tư là chủ trương phù hợp trong điều kiện nguồn lực kinh tế hạn chế, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt quá trình phân kỳ đầu tư đảm bảo các yếu tố về an toàn giao thông.

“Tư vấn phải chỉ ra, đầu tư ngay từ ban đầu là tốt nhất vì có thuận tiện là sẵn thiết bị, chỉ có vốn đầu tư ban đầu cao. Còn đã phân kỳ thì phát sinh ra nhiều hạng mục, phải sửa chữa nên tốn kém hơn làm 1 lần, chi phí tính tổng ra sẽ đắt hơn, chỉ tính được giai đoạn nào đủ tiền mới làm tiếp” – Chuyên gia Doãn Minh Tâm nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Việt Phương – trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong điều kiện chi phí ngày càng tăng hiện nay, tổng chi phí quy đổi của các giai đoạn đôi khi nhiều hơn khá nhiều so với đầu tư 1 lần nên cần thận trọng khi luận chứng phương án phân kỳ đầu tư.

Lấy ví dự từ một số cao tốc như Cao Bồ - Mai Sơn – QL45 – Nghi Sơn – Diễn Châu – Bãi Vọt, chuyên gia Nguyễn Việt Phương phân tích rằng, những đoạn tuyến này có quy mô giải phóng mặt bằng đã đầy đủ 6 làn xe, hầm cũng đã đạt chuẩn, chi phí tiết kiệm phân kỳ chỉ tầm 10 - 15% tổng mức đầu tư, trong khi tốc độ cho phép giảm từ 120km/h xuống 80km/h, kèm theo một loạt nguy cơ về tai nạn giao thông, tổn thất thời gian.

“Điều này đặt ra nghi ngại về tính hiệu quả, liệu phương án phân kỳ này đã được luận chứng một cách tổng thể chưa?" – chuyên gia Nguyễn Việt Phương đặt câu hỏi.

Theo tôi công bố công khai quy hoạch, công bố dự kiến tiến độ với các địa phương và thu hút tối đa các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước theo hình thức PPP để thực hiện càng sớm càng tốt một cách có hệ thống quy hoạch đường cao tốc, trên cơ sở đó tránh được tối đa phân kỳ đầu tư làm tốn kém thêm chi phí. Chúng ta nên có sự đánh giá một cách toàn diện có hệ thống và nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho việc phát triển đường cao tốc trong thời gian sắp tới "– chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-phan-ky-dau-tu-that-su-hieu-qua.html