Để nuôi chim yến trở thành ngành kinh tế tỷ USD

Xuất hiện từ năm 2004, nuôi chim yến với mục đích thương mại có thể trở thành một ngành kinh tế mang lại giá trị cao khi Việt Nam sở hữu những lợi thế tự nhiên nhất định mà không phải quốc gia nào cũng có.

Anh Võ Nguyên Hòa tại tỉnh Bình Định có 4 nhà nuôi yến tại khu vực Quy Nhơn, Tuy Phước và Phú Cát, với chi phí đầu tư từ 1,5 - 3 tỷ đồng/nhà tùy theo kích cỡ. Mỗi năm, anh thu về khoảng 35 – 40 kg, với giá dao động từ 18 - 20 triệu đồng/kg cho yến thô và 32 - 35 triệu đồng/kg cho yến tinh chế.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, anh Hòa kể, năm nay thu được khoảng 35 kg, tổng doanh thu khoảng 550 triệu đồng: "Việc nuôi chim yến đã mang lại cho gia đình tôi một nguồn thu ổn định”.

Sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2022, hộ nuôi của anh Hòa là một trong những hộ được chọn để hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc.

Giờ đây sản phẩm yến của anh Hòa đã tiến ra thế giới với những quy chuẩn quốc tế.

“Nuôi chim yến là ngành có triển vọng, mang lại giá trị kinh tế cao bởi tính đặc thù của sản phẩm chỉ những vùng miền có đặc điểm sinh thái của loài chim yến thì mới có thể phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, ông Lê Thành Đại chia sẻ với Mekong ASEAN.

So với các nước trong khu vực, yến thô của Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao hơn và độ dày tốt hơn. Việt Nam cũng có lợi thế về thổ nhưỡng, đa dạng về sinh học lại phong phú về thức ăn nên hàm lượng dinh dưỡng của yến cũng cao hơn so với các thị trường khác.

Bàn rõ hơn về những lợi thế mà ngành yến tại Việt Nam đang có, ông Đại cho biết, nếu như trước đây, loài này chỉ sống ở các tỉnh ven biển, vùng đồng bằng thì hiện nay yến còn quy tụ ở vùng Tây Nguyên. Việt Nam còn có nguồn thức ăn đa dạng, là quốc gia ít xảy ra các thiên tai như cháy rừng, động đất so với các nước trong khu vực nên chim yến có xu hướng di cư về đây.

Việt Nam cũng đang xây dựng các xưởng sơ chế tổ yến với quy mô rất lớn, đạt chuẩn. “Theo đánh giá của chúng tôi, Việt Nam đang có trên dưới 10 nhà máy sản xuất 20 – 30 tấn/năm, đáp ứng số lượng xuất khẩu”, ông Đại chia sẻ.

Hiện Việt Nam có 42/63 tỉnh ghi nhận hoạt động nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Mỗi năm Việt Nam thu về khoảng 120 tấn yến thô với giá trị từ 300 – 500 triệu USD.

Từ ngày 16/11/2023, Việt Nam chính thức trở thành một trong 4 thị trường tại Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Thái lan và Malaysia) xuất khẩu yến sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Lô tổ yến chính ngạch đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc chiếm khoảng 80% thị phần tiêu thụ yến toàn cầu và nhu cầu về yến của nước này đang tăng dần theo các năm, trong đó năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn.

Theo ông Đại, đa số người dân Trung Quốc biết và sử dụng sản phẩm yến, tuy nhiên sản lượng cung ứng cho thị trường này mới chỉ đạt 1/3 nhu cầu của thị trường và đây là cơ hội cho ngành nuôi chim yến của Việt Nam.

Hiện tại, đối với việc xuất khẩu tổ yến, mối quan tâm lớn nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghị định thư về kiểm dịch đối với tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc cũng nêu rõ vấn đề này, trong đó Điều 10 quy định “Mỗi lô hàng tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải kèm theo một bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y và Giấy chứng nhận xuất xứ”.

Bên cạnh đó là vấn đề phát triển thương hiệu, câu chuyện rất cũ nhưng luôn luôn mới của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu. “Thương hiệu thể hiện sự cạnh tranh của ngành yến, thể hiện đẳng cấp trên thị trường quốc tế. Giữ thương hiệu là nỗ lực chung của ngành yến Việt Nam và sự góp sức chung của cả cộng đồng”, ông Đại nói.

Mặc dù là ngành có tiềm năng kinh tế cao nhưng ngành yến cũng không ít rủi ro. Anh Võ Nguyên Hòa kể, các nhà yến của anh luôn phải đối mặt với tình trạng yến nuôi bị bẫy và bị săn bắt trái phép. “Nạn săn bắt chim yến ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng đến hộ nuôi. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ đàn chim yến”, anh Hòa kiến nghị.

Trong khi đó, theo ông Lê Thành Đại, tình trạng đàn chim yến tại Việt Nam có xu hướng giảm đàn rõ rệt. Riêng năm 2023, tổng đàn chim yến đã giảm hơn 30%, có nơi giảm tới 50%. Nguyên nhân thì có nhiều, ông Đại nói, ví dụ như do tình trạng săn bắt chim yến để phóng sinh, bán thịt vào các nhà hàng.

Ngoài ra, một số địa phương xuất hiện nhiều chim yến nhưng lại không được quy hoạch là vùng phát triển nuôi chim yến; một số nơi khác dù đã có quy hoạch nhưng lại không được đầu tư đúng tiềm năng.

Mặc dù Chính phủ đã công nhận yến là ngành kinh tế nhưng thủ tục pháp lý, quy chế, ban hành còn chậm. Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng gây mất niềm tin người tiêu dùng đối với sản phẩm yến.

“Các sản phẩm yến bán ngoài thị trường tràn lan mà không có xuất xứ, không có nhãn hiệu. Việc tạo uy tín đối với thị trường ngành yến rất khó, lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm nên nhiều chủ nhà yến đang phải đối mặt khó khăn về vấn đề cạnh tranh với sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, giá cả tự do", theo ông Đại.

Ngành chim yến phát triển nở rộ trong vài năm trở lại đây nên đã diễn ra tình trạng đầu tư tràn lan, trong khi đó các nhà yến được xây dựng mà không có quản lý về kỹ thuật nên số lượng thất bại chiếm trên dưới 40 – 60%, nghĩa là cứ 100 nhà yến đầu tư thì chỉ có khoảng 40% nhà yến thành công, có yến để thu hoạch, số còn lại sản lượng rất ít, không đạt thu hồi vốn.

Trước tiềm năng và thực trạng của ngành yến Việt Nam, ông Đại kiến nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng xây dựng quy chuẩn chất lượng, thủ tục để quy hoạch ngành yến và xây dựng nhà yến theo Luật Chăn nuôi hay theo Luật Nhà ở.

“Theo Luật Chăn nuôi thì xây dựng cơ sở chăn nuôi, giấy phép do ngành nông nghiệp cấp. Nhưng xây dựng nhà yến theo Luật xây dựng thì do ngành xây dựng cấp. Do đó, cần có sự thống nhất, có thông tư liên bộ để hướng dẫn các địa phương tuân thủ theo quy trình thống nhất, tạo điều kiện để các hộ nuôi yến phát triển”, ông Đại kiến nghị.

Các cơ quan chức năng cũng cần ban hành cơ chế kiểm soát thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi lưu hành, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo uy tín của ngành yến.

Về vấn đề xuất khẩu, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, ông Tống Xuân Chinh, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần có sự liên kết chặt chẽ để chia sẻ thông tin, hỗ trợ trong việc phát triển thị trường, giảm chi phí logistics…

“Doanh nghiệp cũng cần đầu tư bài bản cho chế biến sâu, bởi thông qua chế biến sâu mới thu được giá trị gia tăng từ sản phẩm yến. Nếu chỉ tập trung sản phẩm yến thô thì giá trị gia tăng nhỏ. Chế biến sâu chính là định hướng lâu dài của ngành yến Việt Nam”, ông Tống Xuân Chinh chia sẻ với Mekong ASEAN.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-nuoi-chim-yen-tro-thanh-nganh-kinh-te-ty-usd-post31645.html