Để người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội

Liên tục trong thời gian qua, việc người lao động ở TPHCM nói riêng, cả nước nói chung rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã trở thành hiện tượng khá phổ biến và đáng lo.

Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đề xuất nghiên cứu bổ sung trợ cấp gia đình, như hỗ trợ học phí, miễn phí tiêm chủng cho con người lao động để hạn chế họ rút BHXH một lần. Việc bổ sung trợ cấp có thể giúp lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh và nuôi con nhỏ; giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần.

Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Ở chiều ngược lại, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH. Trên các diễn đàn nghị trường và phương tiện truyền thông đại chúng cũng có khá nhiều phương án được đề xuất nhưng dường như việc tìm ra giải pháp thích hợp và đạt được sự đồng thuận từ phía người lao động là một thách thức lớn.

Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên mô hình nhà nước phúc lợi với 4 trụ cột quan trọng nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Các trụ cột này gồm: việc làm, BHXH, bảo trợ xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Thực tế, hơn một thập niên qua, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm triển khai hệ thống an sinh xã hội mang tính bao phủ này.

Cụ thể, Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (1-6-2012) xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”. Thành ủy TPHCM cũng đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTrHĐ/TU (8-11-2012) nhằm thực hiện nghị quyết trên.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện này cũng bộc lộ những thách thức mà hệ thống an sinh xã hội Việt Nam đang đối diện khi các chỉ tiêu của 4 trụ cột kể trên dường như chưa đạt được như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính nằm ở chỗ, 4 trụ cột trong hệ thống an sinh đang bị chia cắt về mặt vận hành cũng như quyền lợi thụ hưởng của người lao động.

Có thể thấy quỹ BHXH hiện nay kém hấp dẫn đối với người lao động khi chủ yếu tập trung vào quyền lợi hưu trí và tử tuất, trong khi những khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống dường như đang bị bỏ qua. Người lao động đang đối diện với những khó khăn về việc làm và sinh kế trong khi giá cả các dịch vụ xã hội cơ bản gia tăng liên tục. Điều này đang trở thành gánh nặng chi phí đối với họ.

Trước đây, việc cơ quan quản lý quỹ BHXH để người lao động dễ dàng rút BHXH một lần thời điểm bị gián đoạn việc làm đã tạo ra nhận thức xem khoản tích lũy này là một khoản tiền để tiêu dùng khi cần. Bên cạnh đó, những lần điều chỉnh, sửa đổi chính sách của cơ quan chức năng thời gian qua chủ yếu tập trung tìm kiếm giải pháp giữ chân người lao động mà không xem xét một cách tổng thể về tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội.

Chúng ta cần những giải pháp thiết thực để tạo ra một hệ thống an sinh xã hội mà người lao động có thể tin tưởng. Cần xem xét lại cách hệ thống an sinh xã hội được tổ chức và hoạt động theo hướng tích hợp và bao trùm. Việc tích hợp các trụ cột an sinh xã hội và xem xét dịch vụ xã hội cơ bản như là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH trong giai đoạn làm việc và đóng BHXH.

Đây sẽ là bước quan trọng để giải quyết vấn đề chia cắt hiện tại các trụ cột an sinh xã hội hiện nay. Đồng thời cải thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng phục vụ nhu cầu của người dân dựa trên quan điểm hiệp lực giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động cũng như các bên liên quan để tìm ra giải pháp phù hợp và đảm bảo rằng hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam có thể đáp ứng và vượt qua được những thách thức trong tương lai một cách bền vững.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nguoi-lao-dong-o-lai-he-thong-an-sinh-xa-hoi-post705355.html