Để người dân an tâm sử dụng thực phẩm

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, gây lo lắng trong nhân dân. Tại Sóc Trăng, để người dân an tâm sử dụng thực phẩm, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Ghi nhận tại căn tin của Trường Trung học phổ thông Thuận Hòa, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) trong giờ giải lao có rất đông học sinh đến mua thực phẩm (cơm, hủ tiếu, mì… bánh, kẹo, nước uống đóng chai). Và chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 70 hộp cơm, hàng chục ly/tô mì gói đã được các em học sinh mua hết. Các món ăn vặt như: cơm cháy chà bông, bánh mì tươi, xúc xích, nước đóng chai… cũng bán rất chạy. Theo anh Mạch Minh Tâm - Chủ căn tin Trường Trung học phổ thông Thuận Hòa, qua các kênh truyền thông, anh nắm được tin tức về ngộ độc thực phẩm. Để chủ động phòng tránh những vi phạm, những sự việc đáng tiếc xảy ra trong kinh doanh thực phẩm, anh luôn đặt an toàn, sức khỏe của học sinh lên hàng đầu. Vì vậy, anh lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm, bánh, kẹo, nước đóng chai… có uy tín, đã được người dân tin dùng. Đặc biệt, thực phẩm tươi sống có nguồn gốc, khi mua về là chế biến ngay, tránh nhiễm khuẩn.

Cũng theo anh Tâm, trước khi kinh doanh căn tin, anh cũng tham gia tập huấn các kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP), cái gì chưa rõ thì anh hỏi các ngành chuyên môn, nhằm đảm bảo kinh doanh theo đúng quy định, góp phần đảm bảo vệ sinh ATTP trong trường học.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra quy trình lưu mẫu thức ăn tại bếp ăn của Trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành A, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Hiện tại Trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành A, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành đang cung cấp suất ăn cho 152 học sinh bán trú. Đồng chí Đoàn Thị Thu Ba - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành A cho biết, nhà trường tự tổ chức nấu ăn cho các học sinh. Để quản lý chất lượng thực phẩm đầu vào, nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm trên địa bàn huyện. Song song đó, nhà trường quan tâm kiểm thực ba bước (bước 1: kiểm tra trước khi chế biến thức ăn; bước 2: kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn; bước 3: kiểm tra trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn (thực hiện lưu mẫu ít nhất trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn). Theo người đứng đầu nhà trường, năm nay là năm đầu tiên nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng chủ trương là đặt ATTP lên hàng đầu, để bảo vệ, đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.

Vẫn còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm

Công tác đảm bảo ATTP là một trong những nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc trong thời gian qua. Tỉnh có nhiều văn bản cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống… và ý thức trong tiêu dùng thực phẩm của người dân. Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 6.000 cơ sở, qua đó phát hiện 462 cơ sở vi phạm; tổ chức lấy gần 400 mẫu thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm, giám sát mối nguy, đã phát hiện 8 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó đã kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở và xử lý các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Doanh nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm. Ảnh: HOÀNG LAN

Doanh nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm. Ảnh: HOÀNG LAN

Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Trong năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Châu Thành và huyện Mỹ Xuyên, với 9 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. Gần đây nhất là đầu năm 2024 đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 159 người mắc do ăn bánh mì và 2 sự cố liên quan đến thực phẩm với 51 học sinh mắc thuộc địa bàn thành phố Sóc Trăng và huyện Cù Lao Dung do uống nước tăng lực được phát miễn phí trước cổng trường và ăn kẹo mua trên mạng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý để phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức cần thiết.

Nâng cao nhân thức kết hợp với siết chặt quản lý

Theo đồng chí Âu Hiền Sĩ - Chi Cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP (Sở Y tế), bám sát chủ đề “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 là “Tiếp tục đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới” và các chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố;, nhất là các căn tin, bếp ăn bán trú của các trường trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra tập trung xem xét các nội dung: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm… Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm hành chính thì đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định. Tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm ATTP được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra lưu thông trên thị trường.

Một giải pháp không thể thiếu là tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới, nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong công tác an ninh, ATTP tại địa phương, cơ sở. Tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương… Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra cần lồng ghép tuyên truyền khơi dậy “trách nhiệm xã hội và đạo đức” (không sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; các phụ gia thực phẩm, hỗ trợ bị cấm...) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các tổ chức, cá nhân.

Đối với người tiêu dùng cần tuyên truyền để họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong đảm bảo ATTP; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an ninh, ATTP. Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm ATTP; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng… để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân trong gia đình.

Có thể khẳng định, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Và để đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt thì công tác đảm bảo ATTP là nhiệm vụ trọng tâm không thể thiếu. Do đó, rất cần sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong “đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới”.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/de-nguoi-dan-an-tam-su-dung-thuc-pham-73280.html