Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Vấn đề thích ứng với già hóa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được đặt ra bởi Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu NCT). Dự báo, số NCT của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số.

Người cao tuổi quận Đống Đa tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ.

Các chuyên gia y tế cho hay, để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho NCT cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa, đồng thời để nâng cao sức khỏe cho NCT, công tác dự phòng bệnh đóng vai trò quan trọng, trong đó việc duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, có sổ theo dõi bệnh và tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ rất cần thiết.

Để người già yên tâm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, Đảng và Nhà nước ta cũng ban hành nhiều văn bản liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT như: Luật người cao tuổi; Quyết định 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 19/4/2018 về việc triển khai Đề án Chăm sóc Sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 của Thành phố Hà Nội đến năm 2025. Những văn bản này sẽ đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung; Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, với chi phí và hình thức phù hợp.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Vũ Duy Hưng phát biểu tại hội nghị “Gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, con cháu hiếu thuận" ngày 27/9/2023

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe NCT được thành phố đẩy mạnh, tỷ lệ khám sức khỏe NCT định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87% phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao. Cùng với đó, để NCT sống vui, sống khỏe, các cấp Hội Người cao tuổi trên toàn thành phố còn lồng ghép phong trào thi đua "Tuổi cao gương sáng" với công tác dân số - KHHGĐ để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều hội viên NCT tiêu biểu trong vận động nhân dân, con, cháu thực hiện tốt chính sách dân số, đặc biệt là con cháu trong gia đình.

Tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 tại Hà Nội là 117 trẻ trai/100 trẻ gái và đã giảm dần qua các năm. Riêng 9 tháng năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh toàn TP là 112 trẻ trai/100 trẻ gái, phấn đấu tiếp tục duy trì tỷ số này đến cuối năm.

Lấy máu xét nghiệm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi

Từ xưa đến nay, NCT có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Vai trò của NCT trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ là vô cùng quan trọng.

“Trong các buổi sinh hoạt, các cấp Hội Người cao tuổi đã dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số. Các cụ luôn xác định đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, vận động con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt xóa bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"”, coi trọng cháu trai hơn cháu gái; coi việc thực hiện tốt công tác dân số là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên chi hội NCT. Hằng tháng, vào các buổi sinh hoạt định kỳ, ngoài các nội dung như bình thơ, đọc báo, nghe tình hình thời sự, trao đổi kinh nghiệm sống và dạy bảo con cháu, Hội NCT còn dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ. Với sự “vào cuộc” tích cực của các cụ cao tuổi đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ của toàn thành phố."- ông Vũ Duy Hưng nói.

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023, từ nay đến hết tháng 10/2023, thành phố Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm cao điểm rộng khắp trên địa bàn. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của NCT trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác dân số, góp phần vào kết quả giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Ngoài ra, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể từ TP tới cơ sở, đặc biệt là NCT tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020-2025,... nhằm can thiệp một cách có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới.

Việt Cường

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/de-nguoi-cao-tuoi-song-vui-song-khoe-song-co-ich-20231003221252.htm