Để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.

Sáng 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai 19 luật và nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua gồm 16 chương, 260 điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ quy định tại Điều 190 (về hoạt động lấn biển) và Điều 248 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp) có hiệu lực thi hành sớm hơn từ ngày 1/4/2024. Việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất; không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai. Không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà không phải đáp ứng điều kiện, không phải thực hiện thủ tục đầu tư quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư trong tiếp cận đất đai. Quy định nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Ảnh: Quốc hội

Luật quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

Luật quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ Hiến pháp; trong đó, quy định rõ 31 trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đồng thời, Luật hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Quy định cụ thể về tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư; bảo đảm nguyên tắc việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư…

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Luật cũng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể về các trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014 và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền.

Đáng quan tâm, Luật đã hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, bỏ khung giá đất, quy định Bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện…

Để triển khai Luật Đất đai năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.

Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung sau: (1) Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; (2) Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; (3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; (4) Quy định về quỹ phát triển đất; (5) Quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (6) Quy định về giá đất; (7) Quy định chi tiết về đất trồng lúa; (8) Quy định về lấn biển; (9) Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền Luật Đất đai. Ảnh: Quốc hội

Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, đối với Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, gửi lấy ý kiến của các địa phương, bộ ngành, tổ chức có liên quan, đồng thời tổ chức hội nghị tại các vùng, miền để lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong tháng 5/2024, riêng đối với Nghị định về hoạt động lấn biển sẽ được trình trong tháng 3/2024 theo trình tự thủ tục rút gọn để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024.

Để triển khai thi hành Luật thuận tiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về đất đai đến các hội viên.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-luat-dat-dai-nam-2024-som-di-vao-cuoc-song-167243.html