Để không phải đánh đổi

Lấy người dân làm trung tâm trong phát triển kinh tế, từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án xử lý chất thải công nghiệp phù hợp, hiệu quả không gây ô nhiễm môi trường

Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Một trong những nội dung, biện pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ nói trên là giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là vấn đề cấp bách, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của TP HCM không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn mãi về sau.

Lấy người dân làm trung tâm

TP HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội lớn nhất cả nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc và tập trung lực lượng lao động với sự đa dạng về cơ cấu, lứa tuổi, ngành nghề và cũng là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư ở cả trong và ngoài nước. Do đó, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái sẽ đem lại nhiều cơ hội trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Theo đó, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, xã hội để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của thành phố. Cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, từ đó, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố. Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ công phục vụ cho người dân.

Môi trường sinh thái được bảo vệ, con người khai thác, sử dụng đúng mục đích sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến, công nghiệp thủ công phát triển, giải quyết việc làm cho lao động thủ công ở nông thôn, giảm tải áp lực về dân số, việc làm cho thành phố; tạo điều kiện thuận lợi các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư. Ngược lại, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, hủy hoại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đồng thời dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau, nhất là về chính trị, trật tự an toàn xã hội của người dân sinh sống xung quanh khu vực có nhà máy, xí nghiệp hoạt động.

Xử lý nước thải bằng bùn vi sinh trước khi thải ra ngoài môi trườngẢnh: Hoàng Triều

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Chính quyền các cấp của TP HCM cần đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp để họ nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Phát triển kinh tế nhưng không được làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và sự sinh tồn của các loài động thực vật; không chạy theo nhu cầu, lợi ích trước mắt mà không tính đến phương án tái sinh cho thế hệ mai sau.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở từng khu vực, địa bàn chịu trách nhiệm trước thành phố về những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Lấy người dân làm trung tâm trong phát triển kinh tế, từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án xử lý chất thải công nghiệp phù hợp, hiệu quả không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi một chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp đều phải tính đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể trong phát triển quy hoạch của thành phố. Tập trung phát triển những ngành nghề, lĩnh vực theo hướng thân thiện với môi trường, không khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi. Sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong xử lý, ứng phó với những vấn đề ô nhiễm môi trường có thể xảy ra.

UBND TP HCM và các sở, ban, ngành cần tiến hành quy hoạch một cách tổng thể các khu công nghiệp, khu chế xuất trong phạm vi không gian, thời gian xác định, có sự gắn kết giữa các nhà máy, xí nghiệp, tạo thành chuỗi cung ứng liên thông, chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phải hướng đến phục vụ phát triển kinh tế của thành phố, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, giảm tải áp lực về quá trình đô thị hóa, ùn tắc giao thông, tiếng ồn.

Lắng nghe người dân để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái cần được các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt thì càng phải đặc biệt chú trọng đến sự phát triển bền vững.

Chỉ có như vậy, TP HCM mới giữ được vị thế, uy tín là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất cả nước; là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một trong những giải pháp giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nguyễn Thị Quyết (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-khong-phai-danh-doi-196240501192848901.htm