Để học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tới trường trong niềm hạnh phúc lấp lánh

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao hiệu quả.

Tỷ lệ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến trường ngày một tăng cao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS, MN) chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước với diện tích rộng, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn.

Chiếm 14,6% dân số cả nước, đồng bào DTTS dân cư phân tán, đời sống đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Những khó khăn, đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển giáo dục đào tạo (GDĐT).

Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước

Trong những năm qua, sự nghiệp GDĐT vùng đồng bào DTTS, MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, MN được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển GDĐT, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn. Các tổ chức, cá nhân đều ưu tiên hỗ trợ cho GDĐT vùng DTTS, MN.

Nhờ đó, sự nghiệp GDĐT vùng DTTS, MN đã có những chuyển biến đáng kể. Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng mà người DTTS ở phân tán, địa hình cách trở cũng đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS, tất cả các huyện đều có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS.

Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Quy mô học sinh phổ thông dần đi vào ổn định. Các địa phương vùng đồng bào DTTS, MN đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản về phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được nâng lên qua từng năm học.

Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm học 2022-2023, tổng số trường học của vùng DTTS, MN (bao gồm các tỉnh vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) là 20.495 trường, 329.280 lớp và 10.145.199 trẻ em, học sinh.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.

Thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy, năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh tiểu học người DTTS hoàn thành Chương trình tiểu học thấp hơn tỷ lệ học sinh tiểu học toàn quốc hoàn thành Chương trình tiểu học chỉ 0,27%. Trong khi đó, tỷ lệ chung học sinh THCS vùng đồng bào DTTS, MN tốt nghiệp THCS gần tương đương so với tỷ lệ chung toàn quốc (thấp hơn 0,16%). Tương tự, tỷ lệ chung học sinh THPT vùng đồng bào DTTS, MN tốt nghiệp THPT gần tương đương so với tỷ lệ chung toàn quốc (thấp hơn 0,24%).

Hệ thống trường, lớp ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT được mở rộng, phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư. Các điểm trường, lớp học được xây dựng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, MN.

Về giáo dục thường xuyên, quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong những năm qua. Nhiều trung tâm đã bắt đầu thực hiện việc đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Về hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), PTDTNT luôn đứng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, MN; quy mô học sinh các trường PTDTNT cơ bản đáp ứng được nhu cầu tạo nguồn cán bộ và nhân lực DTTS có chất lượng cho các địa phương. Học sinh trường PTDTNT được hưởng các chính sách học bổng, ưu tiên bố trí ăn ở tại trường đồng thời các em được quyền lựa chọn có thể đi về gia đình trong ngày, trong tuần tùy theo điều kiện.

Hiện nay, toàn quốc có 318 trường PTDTNT thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô 101.847 HS; có 2 trường trực thuộc Bộ GDĐT (trường Hữu nghị 80 và trường Hữu nghị T78) và 1 trường trực thuộc Ủy ban Dân tộc (Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc) có nhiệm vụ giáo dục HS dân tộc nội trú với quy mô hơn 3000 học sinh.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS, MN ngày càng được nâng cao. Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh. Năm học 2022-2023, tổng số phòng học vùng DTTS, MN là 309.436 phòng học với tỷ lệ kiên cố hóa là 78,37%. Tổng số lớp học là 69.709 lớp, đạt tỷ lệ trung bình 0,94 lớp/phòng học.

Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS, MN.

Những kết quả nổi bật nêu trên đã góp phần thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, giúp đỡ con em đồng bào DTTS, MN đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và thu hút được các giáo về các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; làm thay đổi nhận thức trong cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn rất cần sự điều chỉnh và bổ sung các chính sách hỗ trợ cho phát triển giáo dục và đào tạo. (Nguồn: chinhphu.vn)

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo

Mặc dù công tác phát triển GDĐT vùng đồng bào DTTS, MN đã đạt được nhiều bước tiến nhưng vẫn còn đó những khó khăn, bất cập. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm, thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật), nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, một số chính sách, cơ chế tài chính đối với GDĐT vùng đồng bào DTTS, MN chưa phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nguồn lực các địa phương còn hạn chế ảnh hưởng tới việc bảo đảm tài chính cho giáo dục. Nguồn lực thu hút đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với tiềm năng; mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương khác nhau.

Trong bối cảnh vùng đồng bào DTTS, MN tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS, MN vẫn rất cần sự điều chỉnh và bổ sung các chính sách hỗ trợ cho phát triển GDĐT, trong khi nguồn lực của nhà nước hạn chế. Việc đầu tư cho phát triển GDĐT vùng đồng bào DTTS, MN được dự báo tiếp tục gặp khó khăn.

Vì vậy, thời gian tới các địa phương cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện chính sách đối với giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS, MN; tiếp tục rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN; nâng cao chất lượng đối với giáo dục dân tộc vùng đồng bào DTTS, MN; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS, MN; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc; và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.

Với sự quan tâm đúng mức cùng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng tương lai phổ cập giáo dục cho 100% vùng DTTS, MN sẽ không còn xa vời và mỗi con em học sinh vùng đồng bào DTTS, MN, những mầm non tương lai của đất nước, có thể đến trường trong niềm vui, hạnh phúc với nụ cười lấp lánh trên môi.

Nhã Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-hoc-sinh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-duoc-toi-truong-trong-niem-hanh-phuc-lap-lanh-267917.html