Để học sinh, giáo viên hạnh phúc khi tới trường

Trường học hạnh phúc đang là mục tiêu được ngành GD&ĐT hướng tới. Tuy nhiên, chỉ khi giải quyết được những vấn đề còn tồn tại thì khi đó học sinh, giáo viên mới hạnh phúc khi tới trường.

Hôm nay (5-9), hơn 22 triệu học sinh (HS) cả nước chính thức bước vào năm học mới. Trước thềm năm học mới, HS, phụ huynh, giáo viên (GV), cán bộ quản lý trên cả nước đặt ra những kỳ vọng cho ngành giáo dục, trong đó làm sao để hạnh phúc khi tới trường là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8 trong ngày tựu trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8 trong ngày tựu trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Một môi trường an toàn

Năm học 2023-2024, chị Lương Thị Kiều Chinh, ở TP Cần Thơ, có con trai lớn vào năm thứ hai đại học và con gái lên lớp 8. Theo chị Chinh, môi trường giáo dục cực kỳ quan trọng bởi không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý, tinh thần lẫn thể chất của HS cũng như GV.

Năm học mới, chị mong các con sẽ được học với những thầy cô hết lòng yêu thương học trò. Bên cạnh đó, chị cũng mong các con sẽ không quá căng thẳng, lo âu vì chương trình học. Việc học sẽ có sự kết hợp hài hòa giữa học và hành, để con cảm thấy đến trường là niềm vui chứ không phải là áp lực.

“Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng khiến tôi lo lắng. Vì thế, tôi luôn hướng dẫn con cư xử sao với bạn bè và giải quyết mâu thuẫn ra sao. Tôi cũng mong nhà trường chú trọng hơn đến công tác tâm lý học đường để mỗi khi gặp vướng mắc hay gặp một sự cố nào đó, HS có thể được lắng nghe, chia sẻ” - chị Chinh nói thêm.

Trường học hạnh phúc là học sinh khi vui tới trường, được thể hiện mình, được thầy cô quan tâm, chăm sóc cũng như được trải nghiệm không gian học tập hiện đại.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Đắc Hồng Phương, ở TP Cần Thơ, cho biết tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại trong trường học. Không chỉ là HS với nhau mà còn là hành vi giữa thầy và trò. Trường học muốn hạnh phúc thì trước hết đó phải là một ngôi trường an toàn, không tồn tại cách hành xử bạo lực và không diễn ra các hành vi phi đạo đức.

Cũng theo chị Phương, để trường học trở nên hạnh phúc cần tránh những hành động phân biệt giàu - nghèo, tránh sự thiên vị trong lớp học.

“Thương - ghét là tình cảm thông thường nhưng đã đến trường thì mọi HS đều như nhau. Các con cần được trân trọng, yêu thương và dạy bảo theo một cách phù hợp” - chị Phương bộc bạch.

Còn chị Phan Thị Hồng Nga, ở TP.HCM, chỉ mong con được học ở môi trường tốt, an toàn. Học mà vui, được khơi gợi, khám phá kiến thức chứ không phải nhồi nhét. “Tôi muốn con được nhà trường quan tâm uốn nắn về mặt nhân cách, thái độ. Bởi hiện nay phụ huynh ít con, cưng chiều nên đôi khi có lời ăn tiếng nói, thái độ ứng xử không phù hợp. Mặt khác, tôi mong con đến trường được nói lên suy nghĩ của mình với thái độ thích hợp, được tôn trọng nhân cách chứ không phải nuông chiều, cả nể, được giảng dạy kỹ năng sống, được khám phá, lĩnh hội kiến thức, học một cách vui thú” - chị Nga bày tỏ và cho biết chương trình giáo dục phổ thông 2018 có vẻ đang tiệm cận dần với những mong mỏi về kiến thức, kỹ năng của phụ huynh.

Các bé khối mẫu giáo ba tuổi Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3) trong phòng học Bé tập làm nội trợ. Ảnh: NT

Các bé khối mẫu giáo ba tuổi Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3) trong phòng học Bé tập làm nội trợ. Ảnh: NT

GV mong điều chỉnh môn học tích hợp và nhiều hơn thế

Trường học hạnh phúc khi GV cảm thấy thoải mái và được đáp ứng những yêu cầu cần thiết cho việc giảng dạy.

Cô Nguyễn Lưu Ánh Hồng, GV môn khoa học tự nhiên Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.HCM, đánh giá cao môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, cũng như nhiều GV khác, cô Hồng thừa nhận vẫn gặp khó khi dạy môn học này.

Cô Hồng được đào tạo chuyên sâu về môn hóa, có nghiên cứu thêm về môn lý và sinh. Để dạy môn khoa học tự nhiên, cô có tham gia khóa bồi dưỡng nhưng việc dạy tốt cả ba phân môn là không dễ dàng. “Khi lên lớp, đối với phân môn của mình tôi dạy rất tự tin, tôi có thể mở rộng kiến thức bên ngoài. Tuy nhiên, đối với phân môn còn lại, GV phải bám sách giáo khoa vì sợ sai kiến thức. Cũng vì phụ thuộc vào sách nên khó mở rộng kiến thức so với yêu cầu của HS. Do đó, trong năm học mới, mong mỏi của nhiều GV dạy môn học này là nên thực hiện phân công dạy môn tích hợp theo kiểu GV chuyên môn nào sẽ dạy phân môn đó để đảm bảo kiến thức cũng như phát huy được năng lực” - cô Hồng nói.

Trong khi đó, thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM, hy vọng trong năm học mới, đời sống GV không ngừng được các cấp lãnh đạo quan tâm, cải thiện theo hướng tích cực từ chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, thu nhập tăng thêm giữ mức độ ổn định, lâu dài.

“Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc cho phép thầy cô dạy thêm và coi đây là một ngành kinh doanh có điều kiện. Nhu cầu học thêm, dạy thêm là chính đáng của cả người học và người dạy, rộng ra là nhu cầu của xã hội. Hạnh phúc nào bằng nếu thầy cô sống và làm việc đúng nghề được đào tạo. Tuy nhiên, phải có các biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm, các biện pháp chế tài, thậm chí áp dụng các hình thức kỷ luật nếu xảy ra sai phạm” - thầy Thanh mong mỏi.

Năm học mới, thầy Lâm Vũ Công Chính, GV Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, mong có được môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ tốt.

Theo thầy Chính, để tạo môi trường làm việc tốt rất cần sự điều hành nhất quán, đồng bộ của lãnh đạo nhà trường, hướng tới việc giáo dục HS một cách đầy đủ, hiệu quả, phù hợp với định hướng của ngành giáo dục. Chính sách đãi ngộ cần kịp thời, thỏa đáng với tính chất đặc thù của từng công việc và phải công bằng. Dù rằng nhà trường là một tập thể sư phạm nhưng mọi quyết sách đều do hiệu trưởng quyết định, có đôi khi mang tính chủ quan, phiến diện, ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân và tập thể. Do vậy, lãnh đạo các bộ, ngành cần đón nhận các ý kiến của nhà giáo một cách chân thành, hơn là chỉ thực hiện theo quy trình xử lý văn bản hành chính.

Bộ GD&ĐT đang triển khai nhiều giải pháp để GV yên tâm công tác

Trước những tâm tư về môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tại cuộc gặp gỡ với GV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non, tiểu học, làm sao để họ yên tâm công tác.

Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên 10%, GV tiểu học 5%.

Phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà TP.HCM đặt ra trong năm học 2023-2024.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành GD&ĐT TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, giao nhiệm vụ cho ngành GD&ĐT xây dựng môi trường giáo dục tử tế, phát triển mô hình trường học hạnh phúc.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành GD&ĐT đã và đang tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc là HS vui khi tới trường, được thể hiện mình, được thầy cô quan tâm, chăm sóc cũng như được trải nghiệm không gian học tập hiện đại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho biết để có một định nghĩa đầy đủ, chính xác một trường học hạnh phúc quả thật không dễ. Tuy vậy, có thể hiểu một cách giản dị trường học hạnh phúc là khi mọi thành viên của trường đều hài lòng. Thành phần chủ yếu của một trường học là HS và GV, họ hạnh phúc là trường hạnh phúc.

HS thích đến trường, mỗi ngày đến trường đều hài lòng khi được học những kiến thức mới, dễ hiểu, sinh động, thiết thực; được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, tất cả đều thân thiện; được thể hiện bản thân và được tôn trọng; mỗi ngày bản thân được hoàn thiện hơn; được cho đi và nhận lại “trái ngọt” của cuộc đời; không cô đơn mà ngược lại, có cảm giác mình là một mảnh ghép không thể thiếu của cộng đồng.

GV thích đến trường, muốn đến trường khi được làm công việc thích hợp với năng lực, sở trường; môi trường làm việc từ lãnh đạo đến đồng nghiệp, HS và phụ huynh đều thân thiện; chế độ lương công bằng, phù hợp với năng lực và công sức, thu nhập đủ sống và có thể cải thiện dần chất lượng cuộc sống.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học” - đó là trường học hạnh phúc!•

Thầy NGUYỄN MINH TÂM, GV Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM:

Trường học hạnh phúc bắt nguồn từ lớp học hạnh phúc

Tôi kiến tạo lớp học hạnh phúc từ sự hài lòng. Sự hài lòng được kiến tạo khởi đầu từ cha mẹ HS. Ngay từ đầu năm học khi nhận lớp, tôi chủ động kết nối với cha mẹ HS. Tôi nêu ra kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng tháng và những việc cần phải làm cho lớp chủ nhiệm trong năm học này. Việc này đã nhanh chóng tạo sự an tâm và tin tưởng của phụ huynh đối với GV chủ nhiệm lớp.

GV bộ môn sẽ nhận được sự hài lòng tiếp theo từ tôi. Bản thân tôi nhiệt tình quan tâm và phối hợp với GV bộ môn để hoạt động giảng dạy cũng như giáo dục HS một cách hiệu quả nhất.

Có thể nói an toàn là tiêu chí đầu tiên mang đến cho các em HS sự hài lòng. Bởi vậy, khi tôi thiết kế các hoạt động giáo dục cho HS tham gia thực hiện thì bao giờ cũng đưa ra bốn tiêu chí để đánh giá, nhận xét. Đó là an toàn, đoàn kết, vui vẻ và tiết kiệm.

Sự an toàn cho HS được thể hiện bằng các buổi tham vấn và chăm sóc sức khỏe định kỳ vào mùa thi, bằng các giờ tập huấn phòng tránh tai nạn và PCCC, bằng các chuyên đề giáo dục rất hấp dẫn và sinh động về cách sử dụng mạng xã hội, sử dụng Internet, thay đổi tư duy sáng tạo, phương pháp học tập hiện đại và cả tình yêu trong học đường do các chuyên gia tâm lý đảm trách.

Bản thân tôi thường được phân công chủ nhiệm lớp 12, là khối lớp cuối cấp THPT nên sẽ có những đặc thù riêng biệt. Chẳng hạn như vấn đề áp lực và hướng nghiệp bao giờ cũng có tác động rất lớn đến tâm lý của các em. Do vậy, sự hài lòng tiếp theo của các em đó là GV chủ nhiệm phải xóa tan áp lực cho HS, giúp các em biến những áp lực thành động lực và các em cảm thấy hoàn toàn an tâm, tự tin khi tham gia vào việc lựa chọn ngành, chọn trường, chọn nghề…

Bà ĐỖ THỊ MỸ HÒA, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, TP.HCM:

Xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng giữ vai trò
nòng cốt

Xây dựng trường học hạnh phúc đòi hỏi sự mạnh dạn, sáng tạo của lãnh đạo đơn vị; phải xây dựng một tập thể đoàn kết, đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm làm nền tảng vững chắc cùng nhau hoàn thành các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Ngoài ra, cần phải phát huy tính dân chủ tập trung trong nhà trường, mọi vấn đề cần phải bàn luận, thống nhất trước khi thực hiện nhưng chịu trách nhiệm cho những quyết định trên vẫn là lãnh đạo đơn vị. Ngoài ra, hiệu trưởng cần quan tâm đúng mức đến đội ngũ, làm việc công tư phân minh, phù hợp với khả năng của từng đối tượng, giải quyết mọi tình huống linh hoạt, tế nhị, khéo léo, kịp thời. Bên cạnh đó, hiệu trưởng phải luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian, biết khích lệ GV, nhân viên có được cảm giác thoải mái, yên tâm trong công tác, thực hiện tốt việc nâng cao các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện ý thức tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

NGUYỄN QUYÊN - NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-hoc-sinh-giao-vien-hanh-phuc-khi-toi-truong-post749923.html