Để dự án khởi nghiệp xanh ra thị trường thế giới

Với cuộc thi 'Dự án khởi nghiệp xanh 2023', nhóm 3 thành viên đến từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) đã gây ấn tượng ngay với dự án 'Nấm bào ngư thảo dược' được trồng trên 'bã thảo dược'.

Theo nhóm dự án, hiện nay các trại nấm sử dụng mùn cưa làm nguyên liệu chính trồng nấm. Tuy nhiên, nguyên liệu này đang ngày càng khan hiếm và giá cả tăng cao, nên nhu cần tìm nguồn nguyên liệu thay thế cấp thiết. Trước nhu cầu đó, nhóm đã tìm hiểu và nhận thấy, các nhà máy sản xuất thuốc đông y mỗi ngày xả ra từ 25-30 tấn bã thảo dược và còn phải tốn chi phí từ 20-24 triệu đồng để xử lý. Đây là số tiền lớn đã "cắn" vào lợi nhuận của DN.

Bã thảo dược là nguồn nguyên liệu tốt để trồng nấm thay thế nguyên liệu mùn cưa "truyền thống", bởi trong bã thảo dược có hoạt chất tác dụng kháng viêm, tăng đề kháng, giảm cholesterol. Chính vì vậy, nhóm đã ứng dụng mô hình tuần hoàn, sử dụng bã thảo dược vừa làm "đầu vào" để trồng nấm bào ngư, vừa giúp các nhà máy sản xuất thuốc đông y giải quyết "rác". Phôi sau khi thu hoạch nấm, sẽ được xử lý để ra phân bón hữu cơ vi sinh.

Ảnh minh họa.

Áp dụng công nghệ bảo lưu dược chất bên trong dược liệu và chuyển dược chất từ bã dược liệu vào bên trong nấm, sau nhiều lần thử nghiệm cùng với kết quả đánh giá của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và Công ty CP DN KHCN Thế Kỷ Mới với mẫu kiểm nghiệm "bã dược liệu" và "phân hữu cơ từ bã nấm", đến nay nhóm đã cung ứng phôi làm từ bã thảo dược cho nhiều trại trồng nấm, phân bón cung cấp cho nông dân ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và sản phẩm nấm bào ngư được bán nhiều trên các trang mạng xã hội Facebook, sàn TMĐT Shopee, Lazada.

Đặc biệt, giá sản phẩm nấm bào ngư thảo dược có giá rẻ hơn khoảng 30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhờ "đầu vào" nguyên liệu không tốn chi phí. Theo nhóm dự án, thời gian tới sản phẩm sẽ đăng ký SHTT và trong 1 năm sẽ tự động hóa các dây chuyền sản xuất nấm, trong 2 năm lấy chứng nhận OCOP và 3 năm lấy tiêu chuẩn cao hơn.

Với dự án "Mô hình phát triển cây sâm Bố Chính gắn liền với văn hóa - ẩm thực - du lịch tại vùng núi và các huyện xã nghèo khó", chị Hồ Nhật Phương kể: Nhận thấy xu hướng chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và ăn uống thực phẩm xanh ngày càng tăng, đặc biệt là sau đại dịch COVID -19, chị Phương đã chọn vùng cao A Lưới ở Thừa Thiên Huế để đưa cây sâm Bố Chính về trồng thử nghiệm và kết quả rất khả quan khi dưỡng chất và thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm có sự khác biệt so với những vùng trồng khác. Năm 2022, chị Phương đã thuê đất của 21 hộ nông dân ở A Lưới trồng và thuê họ canh tác với mong muốn để người dân thấy được hiệu quả của loại cây trồng này cao hơn 2-3 lần các loại hoa màu khác như ngô, khoai, sắn. Từ đó, họ sẽ xây dựng cây sâm Bố Chính theo hướng bền vững.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, để làm được thương hiệu, các dự án nên kể những câu chuyện vào trong sản phẩm, đặc biệt là câu chuyện về văn hóa để truyền tải thông điệp tốt hơn. Hầu hết các dự án gần như quên mất yếu tố quan trọng này. Như dự án cây sâm Bố Chính của chị Hồ Nhật Phương, sản phẩm được biết đến là từ Phú Yên tiến vua ra Huế. Tuy nhiên, sản phẩm của chị Phương đã thiếu khi không bỏ câu chuyện Phú Yên vào trong đó. Đến cuộc thi có rất nhiều dự án khai thác nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm như: nguyên liệu từ các loại hoa, măng, atiso, nấm, dừa, bưởi non, trái nhàu,…

Đặc biệt, có một số dự án cập nhật xu hướng mới, xu hướng phát triển xanh của thế giới như: Dự án sàn giao dịch tín chỉ carbon; trang trại tuần hoàn trên mái nhà; dự án mật đường Tr'Din đạt chứng nhận trung hòa carbon, chứng nhận không gây ô nhiễm… Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp Xanh 2023" với mục đích lan tỏa thông điệp về khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch canh nông, đã thu hút các dự án đến từ 63 tỉnh, thành tham gia.

Vòng bán kết vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và Bến Tre có 23 dự án vào chung kết. Thành viên trong Ban giám khảo, bà Nguyễn Cẩm Chi - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE) cho biết, đã có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ cuộc thi này, giờ không chỉ đưa sản phẩm của mình cung cấp nhiều nơi ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu hàng qua EU, Nhật Bản và nhiều nước khác, nhờ sự nỗ lực đầu tư cho công nghệ và tiêu chuẩn.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/de-du-an-khoi-nghiep-xanh-ra-thi-truong-the-gioi-i708134/