Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuận lợi, hiệu quả

Hoạt động hỗ trợ pháp lý là nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Việc hỗ trợ cho DN nói chung và hỗ trợ pháp lý cho DN nói riêng đều được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp ở địa phương quan tâm. Qua đó, định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp DN hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ phát triển DN. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 907/QĐ-UBND, ngày 29/3/2021 phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Hội Luật gia tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện 2/3 nhóm nội dung nhiệm vụ đã nêu tại chương trình: (1) Nhóm hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý, cán bộ pháp chế của DN; người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; các cộng tác viên tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN trên địa bàn tỉnh; (2) Nhóm hoạt động tư vấn pháp luật.

Thời gian qua, các cấp hội luật gia đã thực hiện nhiều hoạt động, như: Chủ trì thực hiện đề án ‘‘Xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý’’ và đã tổng kết 10 năm thực hiện. Hội đã tham gia ứng tuyển, được lựa chọn và thực hiện các dự án/sáng kiến thuộc hợp phần Quỹ thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF) trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực; dự án “Nâng cao năng lực phổ biến, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai” năm 2021-2023 do Trung ương Hội Luật gia chủ trì.

Hội đã tổ chức các hoạt động, trong đó có những hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, các cấp hội đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tư vấn pháp luật, tham gia các đoàn giám sát tình hình thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động của DN.

Hội Luật gia tỉnh phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo về quyết định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN của Hội Luật gia tỉnh còn ít, kết quả chưa cao. Hội chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hỗ trợ pháp lý riêng cho DN mà thực hiện nhiệm vụ này trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chung của hội, của Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh (gọi tắt là Trung tâm). Hội cũng chưa xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu, kinh phí hỗ trợ theo quy định. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa chưa được các DN quan tâm, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, chưa biết đến rộng rãi nên chưa chủ động trong việc tiếp cận thông tin về pháp luật và đề nghị hỗ trợ pháp lý. Người dân, DN chưa sẵn sàng phản ánh những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, tổ chức về các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Một số chỉ số cạnh tranh của tỉnh, có liên quan đến kết quả hỗ trợ pháp lý DN còn thấp. Sự phối hợp, tham gia trực tiếp của tổ chức dịch vụ pháp lý và các chuyên gia độc lập trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế.

Hiện nay, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hoạt động tư vấn pháp luật của Trung tâm thực hiện theo quy định của Nghị định số77/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 05/2012/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, giữa các quy định chưa thống nhất, chưa cụ thể, rõ ràng; mạng lưới tư vấn viên pháp luật hỗ trợ cho DN cũng chưa được đồng bộ, thống nhất; các thủ tục còn rườm rà, chưa phù hợp, quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc, bất cập đề nghị khắc phục, sửa đổi, bổ sung, như:

Trước hết, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN là hoạt động của bên hỗ trợ (cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn) và bên được hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định về phạm vi điều chỉnh và các nội dung của nghị định chưa bao gồm quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bên được hỗ trợ, đó là DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật còn thấp và thủ tục thực hiện còn phức tạp, đề nghị nâng mức hỗ trợ và cải cách trình tự, thủ tục đề nghị hỗ trợ…

Đề nghị UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện Quy chế phối hợp về hỗ trợ pháp lý cho DN, bao gồm quy định hình thức, nội dung phối hợp về hỗ trợ pháp lý cho DN. Trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; tổ chức đại diện cho DN; tổ chức (Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Trung tâm) và cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.

Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế-xã hội, cơ sở dữ liệu, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, cơ chế, chính sách...; cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến DN… Cần có cơ chế thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, hội luật gia, tư vấn viên pháp luật… tham gia hỗ trợ pháp lý cho DN.

Đề nghị mỗi DN và doanh nhân cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nêu cao ý thức chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch, các quy định của pháp luật để tự mình nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật; gắn với việc đề xuất hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của DN. Tạo thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý và ý thức tôn trọng pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh.

Có thể khẳng định, sự cần thiết và nhu cầu cần được hỗ trợ pháp lý là rất lớn, không chỉ có tác dụng đối với DN, mà còn có tác động rất lớn đến các chỉ số, như: SIPAS, PCI, PAR INDEX…và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi DN không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: Phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, yêu cầu “thượng tôn pháp luật của đội ngũ doanh nhân” đã được nghị quyết nhấn mạnh, qua đó, đòi hỏi công tác hỗ trợ pháp lý cho DN cần phải tiếp tục chú trọng và triển khai có hiệu quả, nâng tầm một bước về văn hóa pháp lý trong kinh doanh của doanh nhân.

Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202401/de-cong-tac-ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-thuan-loi-hieu-qua-2214927/