Để cán bộ có cảm hứng tự do sáng tạo mà vẫn thượng tôn pháp luật

Cán bộ không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai là một thực tế không chỉ ở TP.HCM mà cả các địa phương, bộ ngành. Thủ tướng vừa ra công điện: thay thế, điều chuyển cán bộ không dám làm, thiếu trách nhiệm.

Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo... TP.HCM cũng sẽ ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này. Dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, xé rào được nhìn nhận như thế nào với những khuôn khổ pháp lý mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ? Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Lập (Luật sư thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự).

LS. Nguyễn Tiến Lập. Ảnh: CTV

LS. Nguyễn Tiến Lập. Ảnh: CTV

Trong bộ máy Nhà nước hiện nay, gần như toàn bộ các vị trí quyền lực đều do đảng viên nắm giữ. Các đảng viên vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng giao, vừa phải tuân thủ pháp luật Nhà nước. Đành rằng về mục tiêu chính sách thì không mâu thuẫn với nhau, nhưng hành lang pháp lý lại là điều bất cứ ai cũng phải tuân thủ. Ở góc nhìn của một luật sư, ông có thể chỉ ra đâu là không gian cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, “xé rào”, “sáng tạo”... trong thực thi chính sách, pháp luật?

Nếu nói đến trách nhiệm đảng viên thì trước hết chúng ta cần liên hệ với trách nhiệm công dân. Công dân cũng có trách nhiệm, đó là sự tuân thủ pháp luật, vậy còn đảng viên thì có sự khác biệt gì? Anh phải chấp hành các nghị quyết của Đảng, nhưng nghị quyết về nguyên tắc đã được thể chế hóa thành pháp luật rồi và nghị quyết cũng phải phù hợp với pháp luật.

Như vậy, tôi cho rằng sự khác biệt chính là ở tính gương mẫu trong việc hành động phù hợp với quy định của pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, các đảng viên trong câu chuyện này đang là công chức Nhà nước, là những người lãnh đạo bộ máy công quyền. Vậy thì trước hết họ phải là những người xác định mục đích cuộc đời là phục vụ và cống hiến cho các lợi ích chung của Đảng, Nhà nước, dân tộc và cộng đồng.

Tôi ủng hộ quan điểm và cách tiếp cận lấy pháp luật làm tiêu chuẩn, tức thượng tôn pháp luật. Ở ý này, tôi không cho khái niệm “xé rào” còn phù hợp mặc dù nó đã là thực tế đúng của mấy chục năm trước, khi manh nha và bắt đầu tiến trình Đổi mới.

LS. Nguyễn Tiến Lập

Nếu xác định như vậy rồi thì các yếu tố “ dám nghĩ, dám làm” hay “năng động, sáng tạo” là những phẩm chất cá nhân đương nhiên phải có.

Còn không gian nào để cán bộ, đảng viên thể hiện phẩm chất đó thì xin thưa, cần được cụ thể hóa. Trong một bài viết gần đây, tôi đã nêu hai tình huống điển hình. Đó là: thứ nhất, các vấn đề và yêu cầu của cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội ở nơi hay lĩnh vực anh phụ trách đã được pháp luật điều chỉnh nhưng cần các biện pháp sáng tạo và đổi mới, thậm chí chưa có tiền lệ để thực thi. Khi đó, các đề xuất của anh chỉ cần thảo luận và thông qua trong tập thể nơi anh phụ trách hay làm việc vì cùng chung mục đích.

Thứ hai, có những vấn đề và nhu cầu mới từ thực tiễn phát sinh mà chưa có quy định của pháp luật, hay có quy định rồi nhưng đã lỗi thời, khi đó anh không nên ngồi chờ mà cần mạnh dạn đề xuất lên cấp trên để ban hành mới hay sửa đổi pháp luật, dù đó là ban hành các luật chính thức hay quy định tạm thời, thí điểm. Cả hai tình huống này đều có thể quy định thành các cơ chế chính thức.

Tóm lại, tôi ủng hộ quan điểm và cách tiếp cận lấy pháp luật làm tiêu chuẩn, tức thượng tôn pháp luật. Ở ý này, tôi không cho khái niệm “xé rào” còn phù hợp mặc dù nó đã là thực tế đúng của mấy chục năm trước, khi manh nha và bắt đầu tiến trình Đổi mới.

Mô hình khai triển pháp luật ở Việt Nam, từ luật khung được chi tiết hóa đến các nghị định, thông tư... của Chính phủ, bộ, ngành... Theo ông, “tinh thần dám nghĩ, dám làm” có nên được thúc đẩy từ lúc soạn và ban hành các quy phạm pháp luật (không trái với Hiến pháp và luật)?

Nếu thống nhất ở nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì chúng ta sẽ bàn tiếp: pháp luật là gì và chất lượng của nó thế nào? Về bản chất, pháp luật không phải là các sợi dây trói buộc con người mà chính là xác định các không gian hành động. Pháp luật ở nước ta đang có trạng thái “lưỡng cực”. Một mặt quá chung chung, chỉ bao gồm các quy định về chủ trương, chính sách; mặt khác lại quá chi tiết, cụ thể liệt kê các quy trình và thủ tục theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nó dẫn đến hệ quả là hoặc không biết phải hành động thế nào, hoặc nếu hành động thì chỉ biết chấp hành mà không thể sáng tạo, kể cả khi các quy trình và thủ tục đã được tuân thủ đúng thì mục tiêu đề ra là tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội vẫn không đạt được.

Hơn nữa, pháp luật không chỉ là các quy định trên văn bản mà quan trọng hơn là hệ thống và cơ chế bảo đảm và thực thi, trong đó quan trọng nhất chính là hệ thống tư pháp và tòa án. Tôi chia sẻ các khó khăn và lúng túng của các hội đồng xét xử ở tòa án rằng nhiều khi biết hành động của đương sự là cán bộ, công chức mang lại kết quả tốt nhưng lại vi phạm các quy trình và thủ tục, do đó vẫn phải kết án là phạm tội. Nhiều thẩm phán cũng than thở rằng họ không có không gian hành động để “dám nghĩ, dám làm” theo cách phán xử bằng niềm tin nội tâm về công lý bởi bị các quy định pháp luật quá nhiều và quá cụ thể, chi tiết trói buộc.

Có nghĩa rằng, để có được một tinh thần “dám nghĩ, dám làm” trên bình diện chung, cần có các cải cách mang tính hệ thống, bắt đầu bằng lĩnh vực soạn thảo chính sách và ban hành pháp luật.

Thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ hàng loạt những quyết sách tháo gỡ của Chính phủ. Ảnh minh họa: Zing

Thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ hàng loạt những quyết sách tháo gỡ của Chính phủ. Ảnh minh họa: Zing

Ở khía cạnh pháp lý, liệu có chế địnhpháp lý nào cần được ban hành để khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm” mà không phải là lời kêu gọi, vận động?

Có thể nói rằng “dám nghĩ, dám làm” dường như chưa được hiểu đúng hay thống nhất, tức chỉ coi đó là thái độ hay hành động cụ thể. Để triển khai, nó phải biến thành các cơ chế được luật hóa, tức phân thành các tình huống cụ thể và được minh định rõ ràng như tôi đã trình bày. Xin thưa, đó không thể đơn giản là sự bảo lãnh của cơ quan, tổ chức hay cá nhân người lãnh đạo cấp trên cho cấp dưới, rằng anh cứ mạnh dạn làm đi, miễn vì lợi ích chung, nếu có gì sai thì sẽ được bảo vệ.

Cho dù sự bảo lãnh đó được khẳng định trong các nghị quyết của tổ chức Đảng thì tôi cũng tin rằng nó không bảo đảm tính khả thi.

Việt Nam trong thời bao cấp, và sau Đổi mới cũng có nhiều cán bộ dám xé rào và đem lại lợi ích chung cho xã hội, hoặc thay đổi được nhận thức xã hội. Điều này có gợi ý liên tưởng như thế nào đến thực tế hiện nay (trong bối cảnh chúng ta đã xây dựng một nhà nước pháp quyền)?

Tôi tin rất nhiều người còn nhớ sự vụ xảy ra trong Dự án xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam trong những năm 1990. Khi đó với sự chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải quyết định triển khai dự án mà chưa có đầy đủ các phê duyệt theo quy trình. Hậu quả là ông Vũ Ngọc Hải đã bị khởi tố và kết án mặc dù sau đó được đặc xá và minh oan. Đương nhiên còn có thể có các vụ việc tương tự khác nữa. Nó gây nên nỗi ám ảnh ghê gớm về tâm lý với nhiều người khi phải đứng trước các quyết định có tính rủi ro.

Thực tế giờ đây khác với thời chiến tranh, khi đó chỉ cần tiêu diệt được kẻ địch là có thể biện minh tất cả. Trong bối cảnh lấy xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế làm mục tiêu, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để mọi cá nhân có thể hành động với tinh thần dũng cảm lẫn cảm hứng tự do và sáng tạo mà vẫn bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Ông có cho rằng, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, là một đòi hỏi thường xuyên, lâu dài phải trên căn bản vào niềm tin công lý?

Mỗi cá nhân không phải là một cấu phần của bộ máy mà là các thực thể sống, hơn nữa họ còn đóng vai trò trung tâm. Cán bộ, đảng viên cũng vậy. Đứng trước mỗi quyết định để hành động, họ phải cân nhắc nhiều khía cạnh và nhiều chiều. Cho dù mục đích và động cơ đúng, nhưng cái anh nghĩ có trùng với cái nhiều người nghĩ không? Cho dù cấp trên ủng hộ anh nhưng liệu cấp trên có đủ quyền lực và khả năng bảo vệ anh đến cùng?

Chưa nói đến sự xem xét và phán xét mang tính thiết chế của cả hệ thống mà khó cá nhân nào có thể vượt qua. Tiếp đó là các cân nhắc về lợi ích mọi mặt, trước mắt và lâu dài liên quan đến tổ chức, cá nhân và gia đình, không chỉ là ham muốn riêng mà còn có hàm ý trách nhiệm, bổn phận. Cuối cùng, đó là sự lựa chọn và đánh đổi mang tính cá nhân về cả quyền và động cơ hành động. Tất cả những điều đó, theo tôi đều tự nhiên và chính đáng. Vậy, nếu coi đó là một bài toán thì pháp luật chính là và phải là chuẩn mực chung cho các cân nhắc và quyết định như vậy.

Tuy nhiên, một khi xét đến con người và coi trọng con người thì chúng ta phải thiết kế hệ thống thể chế và pháp luật sao cho động thái “dám nghĩ, dám làm” của cán bộ, đảng viên như đã bàn không trở thành một sức ép đơn thuần của nghĩa vụ và trách nhiệm, mà quan trọng hơn là cảm hứng và động cơ sống và làm việc vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của riêng mỗi người.

PGS-TS. Võ Trí Hảo (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC):

Trả lương cho bộ máy phải dựa trên khối lượng dịch vụ công vụ

Khi bàn cơ chế đột phá cho TP.HCM, điều thứ nhất tôi quan tâm là cơ chế đó phải xây dựng theo một cách hoàn toàn mới, coi tất cả những gì Nhà nước làm cho dân là một loại dịch vụ, hàng hóa công cộng đặc biệt.

Công cộng là dùng chung và đặc biệt có những tính chất như không lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu, hay đặc biệt như tính chất không thể thỏa thuận trực tiếp mà phải gián tiếp thông qua thuế, phí thông qua Quốc hội, HĐND, hoặc đặc biệt như chính quyền làm cho an ninh TP.HCM tốt thì người dân không đóng phí cũng được hưởng.

Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta phải thấy để trả lương, thù lao cho đội ngũ cán bộ, công chức TP.HCM, không nên nặng về biên chế mà cần dựa vào tổng số lượng và chất lượng dịch vụ cung cấp trên siêu đô thị này để từ đó sử dụng người làm sao xong việc và không có tham nhũng. Tức là không cần người tài mà chỉ cần người xong việc.

Vấn đề thứ hai, khái niệm người tài nên định nghĩa lại. Người tài không phải ở học hàm, học vị, không phải tốt nghiệp chỗ A chỗ B mà là người giải quyết được các bài toán cho nhân dân, cho Đảng, Chính phủ với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất. Từ đây, chúng ta xây dựng một loạt các chỉ số để đo lường thế nào là nhanh nhất; rồi qua tương quan với các tỉnh thành khác để xem thế nào là rẻ nhất. Khi mà ít người nhưng vẫn xong việc, thế thì những người đó là người tài, bất kể trung cấp hay cao đẳng, chỉ cần họ giải quyết được bài toán, là tài năng.

Chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng thừa bằng cấp. Một Chính phủ mà nội các có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng giải quyết công việc không bằng thời cách mạng 1930 - 1945. Quan điểm của tôi ngược một số chuyên gia khác thường lấy bằng cấp rồi xây dựng đề án thu hút nhân tài theo nghĩa tiến sĩ, người tu nghiệp nước ngoài - tất cả đều thất bại.

Điều quan trọng trong thu hút tài năng là phải biết ra đề bài, ai giải được bài toán ấy thì có phần thưởng tương xứng, được trọng dụng thì tự khắc người tài xuất hiện thôi. Đôi khi chúng ta rất sai lầm đặt ra một tiêu chí khá mù mờ thế nào là người tài. Xin nhắc lại, đừng định nghĩa theo A, B, C nữa mà cứ định nghĩa thực dụng là người giải quyết bài toán một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất, không có tham nhũng, không có hệ lụy. Đó là sử dụng người tài và xây dựng bộ máy tương xứng với những cơ chế đặc thù, đột phá cho TP.HCM hay bất cứ nơi đâu. Cứ bệnh mới thuốc cũ thì không bao giờ khỏi bệnh.

Duy Thông thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/de-can-bo-co-cam-hung-tu-do-sang-tao-ma-van-thuong-ton-phap-luat-39339.html