ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT CẦN ĐƯỢC CỤ THỂ HÓA ĐỂ ÁP DỤNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SÁT VỚI THỰC TIỄN, ĐÁP ỨNG ĐƯỢC CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm: Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) thì các văn bản dưới luật cần được cụ thể hóa để sao cho đúng tinh thần của Luật đưa ra, sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, công tác quản lý. Đây cũng là những thách thức đối với Chính phủ và các cơ quan cấp quản lý nên cần được quan tâm.

Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Sau 4 kỳ họp cho ý kiến và thảo luận, sáng 18/01, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,63% tổng số đại biểu).

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Phóng viên: Quan điểm của đại biểu như thế nào về các phương pháp định giá đất được quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Các phương pháp tính giá đất đã cơ bản giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống và trong tương lai. Trong quá trình quản lý, chúng ta sẽ thu thập được những dữ liệu về giá đất để làm rõ cơ sở dữ liệu về đất đai. Quá trình định giá đất sẽ ngày càng đơn giản hơn và giá đất được thực hiện qua quá trình đấu giá cũng sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu một cách công khai, minh bạch hơn.

Các ĐBQH ấn nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Phóng viên: Việc Quốc hội vẫn để cho Chính phủ quy định chi tiết và các phương pháp định giá đất liệu có làm cho lãnh đạo các địa phương, Sở ngành khi thực thi Luật Đất đai lo ngại sợ sai hoặc có những sự cầm chừng không, thưa đại biểu?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Việc Quốc hội vẫn để cho Chính phủ quy định chi tiết và các phương pháp định giá đất là hoàn toàn đúng và cần thiết. Bởi vì Luật không thể quy định quá chi tiết, cụ thể, đặc biệt là trong một số tình huống, trường hợp thực tế còn có sự biến động. Chính vì vậy, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết và các phương pháp định giá đất là để cho Chính phủ có sự linh động, linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo thực hiện.

Phóng viên: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 này. Vậy đại biểu có băn khoăn nào khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Tôi vẫn cảm thấy băn khoăn, lo lắng là việc tổ chức thực thi khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Việc đồng bộ về nhận thức trong toàn bộ các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và những đối tượng liên quan đến đất đai cũng là vấn đề tương đối khó khăn, cần phải có quá trình, thời gian.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Tôi cho rằng, sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) thì các văn bản dưới luật cần được cụ thể hóa để sao cho đúng tinh thần của Luật đưa ra, sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, công tác quản lý. Đây cũng là những thách thức đối với Chính phủ và các cơ quan cấp quản lý nên cần được quan tâm.

Phóng viên: Theo quy định thì những Nghị định sẽ phải đưa cho các ĐBQH kiểm soát. Vậy việc này phải thực hiện như thế nào, thưa đại biểu?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Đúng là các Nghị định đã được gửi tới các ĐBQH. Tuy nhiên, điều quan trọng của việc triển khai theo Nghị định là vấn đề thời gian, chi tiết nội dung trong Nghị định. Đây không phải là nội dung được quy định trong Luật nên các ĐBQH không thể xem xét chi tiết được. Chính vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, soạn thảo luật là phải có trách nhiệm đối với những Nghị định hướng dẫn ban hành để thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), tránh trường hợp luật chờ Nghị định. Điều này cũng là nhằm góp phần để sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84158