ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CẦN BỔ SUNG ĐÁNH GIÁ VỀ VIỆC THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HUY ĐỘNG TỪ NGUỒN LỰC NGOÀI NGÂN SÁCH

Góp ý về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại kỳ họp thứ 5, đại biểu Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị cần bổ sung, tổng hợp, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng và thanh quyết toán đối với nguồn lực huy động từ nguồn ngoài ngân sách.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

5 nội dung cần làm được làm rõ hơn trong Báo cáo của Đoàn giám sát

Đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo. Để thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị. Từ tháng 01/2020 đến tháng 01/2023, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị trong Báo cáo cần được làm rõ, nổi bật hơn một số nội dung:

Thứ nhất: Đối với Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, đề nghị làm rõ hơn trong Báo cáo, nêu bật 05 Kết luận của Bộ Chính trị, 01 Công điện của Thường trực của Ban Bí thư về công tác phòng chống dịch Covid -19 và đặc biệt là ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Điều này rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời của đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng sức khỏe của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, mặc dù trong Phụ lục Báo cáo có liệt kê, hoặc liệt kê chưa đầy đủ.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Thứ hai: Đối với Quốc hội, cần làm rõ hơn sự nhanh nhạy, trách nhiệm và tính phản ứng kịp thời, chưa có tiền lệ, tính toàn diện, các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc cách chưa có tiền lệ và tính pháp lý của Nghị quyết số 30 của Quốc hội để kiến tạo, đồng hành và tạo cơ hội, giao “bảo kiếm” cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch COVID-19 và huy động nguồn lực bảo đảm thực hiện công tác này. Làm rõ Nghị quyết 30 của Quốc hội là cơ sở pháp lý để chúng ta có thể huy động, quản lý, sử dụng được nguồn lực vô cùng to lớn kể cả về nhân lực, vật lực và tài chính để giúp cho công tác phòng, chống dịch đạt được các kết quả như báo cáo đã nêu.

Thứ ba: Đối với Chính phủ, cần làm rõ hơn tính linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch đúng thời điểm, xoay chuyển cục diện. Chính phủ, Thủ tướng đã bám sát tình hình, điều chỉnh các quyết sách đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn, công tác chỉ đạo, điều hành chủ động - quyết liệt - chính xác - kịp thời - hiệu quả - nhạy bén, sâu sát, cụ thể, đồng bộ, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn đầu, chúng ta chống dịch theo phương châm “Zero COVID”, đó là cách thức chống dịch phù hợp với các chủng cũ, giúp chúng ta thành công trong năm 2020, khi số lượng tiêm chủng chưa nhiều.

Thực tế, cử tri đặt câu hỏi tại sao giai đoạn đầu chúng ta không sớm thực hiện Chiến lược vắc-xin, ngoại giao vắc-xin ngay từ giai đoạn đầu thì có thể sẽ hạn chế được hơn thiệt hại về người, về kinh phí như Báo cáo đã nêu? Vì vậy, đề nghị trong Báo cáo Giám sát của Quốc hội cần được làm rõ hơn cho cử tri và nhân dân hiểu, chia sẻ với chúng ta.

Đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.

Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị Báo cáo làm nổi bật hơn tính kịp thời, đúng thời điểm và mạnh mẽ của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" xét về mặt kinh tế, Nghị quyết 128 cho phép chuyển trạng thái phòng, chống dịch, có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như năm 2022. Đây là điểm sáng trong quyết sách của chúng ta cần có đánh giá đúng mức.

Thứ tư: Cần Làm sâu sắc hơn nguyên nhân của kết quả Chiến lược ngoại giao vắc-xin và đề nghị trong Báo cáo cần làm nổi bật hơn kết quả thực hiện chiến lược ngoại giao vắc-xin. Theo số liệu báo cáo của Đoàn Giám sát, chúng ta đã huy động được từ các nguồn viện trợ, tài trợ 160 triệu liều/259,3 triệu liều vắc-xin (chiếm 61,5%). Có được kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong chiến lược ngoại giao vắc-xin. Bởi nếu không có 160 triệu liều vắc-xin từ nguồn tài trợ, viện trợ thì chúng ta không thể thực hiện chiến lược bao phủ vắc-xin nhanh và rộng như vậy, khó đảm bảo được tính mạng của Nhân dân như kết quả đã đạt được như hiện nay.

Về huy động nguồn lực, theo đại biểu Trần Văn Khải, chúng ta đã rất thành công. Có thể nói, chưa bao giờ kể từ sau chiến tranh mà đất nước ta lại có một cuộc huy động tổng lực lớn và thành công như vậy, cả về nhân lực, vật lực, tài chính và cả lòng dân. Có nguồn lực lớn lao này, chúng ta mới có thể thực hiện hiệu quả các giải pháp trong việc phòng chống dịch trên phạm vi rộng lớn trên toàn quốc, từ thành thị đến các làng quê vùng sâu, vùng xa, từ biên giới phía bắc đến hải đảo xa xôi. Điều này một lần nữa khẳng định truyền thống quý báu của dân tộc ta bao đời nay, tinh thần đoàn kết một lòng của toàn dân, toàn quân, của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài khi đất nước lâm nguy.

Thứ năm: Trong Báo cáo Giám sát cần được nêu bật, kỹ hơn về Bối cảnh. Vì hiện nay, nếu chúng ta lấy điều kiện bình thường để xem xét những công việc thực hiện trong điều kiện bất thường, cấp bách thì có thể sẽ làm cho những người có động cơ trong sáng, dám làm, dám chịu trách nhiệm để cứu tính mạng của nhân dân bị quy trách nhiệm một cách oan uổng.

Chưa có đánh giá về việc thanh quyết toán kinh phí huy động từ nguồn lực ngoài ngân sách

Về nội dung Dự thảo Nghị quyết Giám sát, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, tại trang 3, khoản b, mục 1 về quản lý, sử dụng nguồn lực huy động được có nêu: "Việc thanh quyết toán kinh phí phòng chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm".

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5.

Như vậy, nội dung chỉ có đánh giá về nguồn ngân sách nhà nước, không thấy trong dự thảo Nghị quyết đánh giá về việc thanh quyết toán kinh phí huy động từ nguồn lực ngoài ngân sách. Trong khi đó, theo Báo cáo giám sát thì nguồn huy động từ ngoài ngân sách là rất lớn, gồm 43,6 nghìn tỷ/230 nghìn tỷ trực tiếp phục vụ trực tiếp công tác phòng chống dịch; 11,6 nghìn tỷ được viện trợ, tài trợ vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid 19; 160 triệu liều vắc-xin tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Cử tri, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, Quốc gia đã hảo tâm viện trợ, tài trợ cho chúng ta đang rất quan tâm tới Báo cáo Giám sát tối cao của Quốc hội trả lời được câu hỏi của họ, đó là: Việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn lực này thế nào, có vướng mắc gì không, còn thừa hay đã hết, nếu còn thì việc xác lập tài sản là sở hữu toàn dân có vướng mắc gì? Chính phủ sẽ giải quyết thế nào nếu không có đủ hồ sơ, thủ tục ghi nhận tài sản?

Với những nội dung nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị trong Báo cáo Giám sát cần yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung, tổng hợp, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng và thanh quyết toán đối với nguồn lực huy động từ nguồn ngoài ngân sách.

Nghị quyết này của Quốc hội phải nêu rõ hơn nữa được thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm hết sức cụ thể. Đặc biệt là kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, đặc biệt là việc thanh quyết toán, xác lập giá trị tài sản, sở hữu toàn dân để nhanh chóng quản lý, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được. Vấn đề này thuộc thẩm quyền Chính phủ hay thẩm quyền của các Bộ? Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu, rà soát, thống kê, trong năm 2023 hoặc 6 tháng đầu năm 2024 phải xong. Làm thế nào thì Chính phủ nghiên cứu, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Quốc hội./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76374