ĐBQH TÔ VĂN TÁM: CẦN NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VỚI MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon tum, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn với mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

TS.PHẠM MINH HUÂN: NGHIÊN CỨU VÀ LỰA CHỌN MÔ HÌNH QUỸ HƯU TRÍ PHÙ HỢP

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là điểm mới trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này. Đa số, nhiều đại biểu đồng tình với mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Phóng viên: Thưa đại biểu, một điểm mới của sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc trong đó có chủ hộ kinh doanh. Theo đại biểu cần lưu ý gì khi phạm vi mở rộng đối tượng lần này khá rộng?

ĐBQH Tô Văn Tám: Về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tôi cơ bản tán thành các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 3. Tuy nhiên, tôi thấy có 2 vấn đề cần chú ý. Một, tại điểm l khoản 1 quy định chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Quy định này là một bước mới so với luật hiện hành, luật hiện hành không quy định đối tượng này nhưng đã thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 28 hay chưa cần phải làm rõ?

Yêu cầu Nghị quyết 28 là rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh. Như vậy, Nghị quyết 28 không đặt ra yêu cầu phân chia các nhóm chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh hay không phải đăng ký kinh doanh. Dự thảo luật mới quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Trong tờ trình có đề cập đối tượng này là do nhỏ lẻ, v.v. tôi thấy cũng chưa rõ. Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở quy định này.

Hai là việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như tại điểm a khoản 1 là khá bao trùm các đối tượng, rất rộng. Tuy nhiên, cần có những quy định để đảm bảo tính khả thi của quy định này như các đại biểu trước đã băn khoăn. Thực tế lao động này rất rộng, họ làm được tất cả các lĩnh vực, họ thường xuyên di chuyển, một vài tháng có thể họ di chuyển. Hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động cho nên chúng ta chưa thể nắm hết được đối tượng này, tính khả thi chưa có. Sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng ta có hỗ trợ cho người lao động và rất lúng túng khi xác định những đối tượng được hỗ trợ bởi vì chưa có cơ sở dữ liệu về lao động này. Cho nên tính khả thi của quy định này cũng cần phải được tính toán, cần phải có quy định. Có thể quy định thêm chế tài cho đối tượng này để việc thực hiện được bảo đảm khả thi.

Phóng viên: Hiện vẫn còn quan điểm khác nhau với 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần ở Điều 70. Quan điểm của đại biểu với 2 phương án này như thế nào?

ĐBQH Tô Văn Tám: Đúng là 2 phương án, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, nhưng đa số đang nghiêng về phương án 2. Tôi cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu rất kỹ quy định tại phương án 2.

Theo quan điểm của tôi, với phương án 1, Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm. Như vậy theo phương án này sau ngày 01/7/2025 dự kiến luật có hiệu lực người lao động sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa. Khi chúng ta sửa đổi, bổ sung luật này vào năm 2014, Quốc hội khóa XIII thảo luận rất nhiều về vấn đề này. tôi nhớ có rất nhiều đại biểu đề nghị cho họ lựa chọn giữa 2 phương án. Vì mục tiêu của ta rất nhân văn ở chỗ chúng ta bảo lưu lại, không cho người lao động rút là để cho họ khi hết tuổi lao động, khi về già thì có một khoản tiền để trang trải cuộc sống. Quy định đó rất nhân văn, chính vì nhân văn như vậy nên Quốc hội khóa XIII đã quyết định bảo lưu. Khi Quốc hội quyết định như vậy thì người lao động lại không đồng tình, họ đã có phản ứng. Trước phản ứng người lao động, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu hay rút bảo hiểm xã hội một lần.

Vấn đề ở đây là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình, đó là vấn đề cần được tiếp tục làm rõ, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn; về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống. Nếu áp dụng phương án 1 tôi e rằng người lao động không đồng tình và cũng e rằng khả năng họ cũng phản ứng như ở khóa XIII, đề nghị hết sức lưu ý vấn đề này.

Còn phương án 2, chúng ta cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng. Vấn đề sẽ đặt ra một câu hỏi là tại sao lại là 50% mà không phải là một tỷ lệ khác. Tôi thấy cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội nữa, khi đó họ không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy trong tham gia đóng bảo hiểm xã hội có phần người lao động đóng và một phần người sử dụng lao động đóng. Cho nên, theo tôi nên quy định theo hướng người lao động được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Những trường hợp khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động chỉ được rút phần mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng thì được nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc họ hưởng khi hết tuổi lao động.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82540