ĐBQH NGUYỄN THỊ PHÚ HÀ: CẦN 'CỞI TRÓI' DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG QUY MÔ NHỎ BẰNG NGUỒN CHI THƯỜNG XUYÊN

Góp ý vào báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, đánh giá giữa kỳ của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng như thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng dư địa của tăng trưởng kinh tế 2024 phụ thuộc lớn vào đầu tư công. Vì vậy cần tháo gỡ điểm nghẽn này, trong đó cần sửa đổi Thông tư 65 theo hướng phù hợp với thực tế đảm bảo tính kịp thời, linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc tiếp tục chính sách tài khóa và tiền tệ còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 hay không? Đâu sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng 2024?

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Liên quan đến chính sách về hỗ trợ thuế chúng tôi cũng thấy đã tới hạn. Năm 2022 chúng ta đưa ra những chính sách miễn, giảm thuế tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng thu rất cao. Tăng thu ngân sách mặc dù chúng ta đưa ra những chính sách miễn, giảm thuế nhưng tăng thu ngân sách vẫn đạt được trên 403,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30%, 28,6% so với dự toán. Nhưng năm nay thấy rất chậm, mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chính sách này nhưng thu ngân sách đạt được dự toán cũng rất khó khăn. Thu ngân sách trung ương hụt 10 - 15 nghìn tỷ do kim nghạch xuất nhập khẩu bị giảm sút đi. Quay lại chính sách tiền tệ cũng vậy, trong báo cáo cũng đã nêu rất rõ 4 lần giảm giảm lãi suất nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chỉ được 5,91%. Nghĩa là những chính sách khác của chúng ta cũng đã tới hạn.

Vì vậy, bây giờ dư địa cho tăng trưởng chỉ có thể liên quan câu chuyện đầu tư công và làm sao đấy giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp mới có thể đạt được tăng trưởng chúng ta mong muốn cho 2024. Tôi nghĩ giải pháp là chúng ta phải thúc đẩy cho được đầu tư công.

Phóng viên: Thưa đại biểu, chưa có một nhiệm kỳ nào mà chúng ta có nguồn lực đầu tư công lớn như nhiệm kỳ này, tuy nhiên giải ngân thực hiện các dự án đầu tư công vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu? Vậy theo bà đâu là nút thắt lớn nhất của vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Một nội dung nữa xuyên suốt trong các báo cáo của Chính phủ là vấn đề liên quan về việc thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công. Đúng như bạn nói, chưa có một nhiệm kỳ nào mà chúng ta có nguồn lực đầu tư công lớn như nhiệm kỳ này, kế hoạch đầu tư công cũng rất được quan tâm, tỷ trọng đưa vào đầu tư công rất lớn. Ngoài ra chúng ta cũng có chương trình phục hồi để thực hiện. Tuy nhiên “tiền có nhưng không thực hiện được”. Theo tôi, cần tập trung đánh giá kỹ những điểm nghẽn trong việc này, bởi nếu chúng ta không có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới thì sẽ tiếp tục nghẽn tiếp.

Tôi muốn nói đến câu chuyện chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Các bộ, ngành, địa phương hiện nay đang hiểu là Luật Đầu tư công quy định là phải có vốn thì mới thực hiện chuẩn bị chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nên có giao kế hoạch thì mới thực hiện. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có hướng dẫn thêm cho các bộ, ngành, địa phương, khi xây dựng Luật Đầu tư công năm 2014, thời điểm điểm đó không có câu chuyện phê duyệt chủ trương đầu tư mà quyết định đầu tư đưa vào thực hiện, nên triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020 chúng ta không kịp thủ tục để chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Tôi cho rằng, trong đề nghị của Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cân đối vốn để chuẩn bị dự án cho giai đoạn sau 2021 - 2025. Nhưng khi đi vào thực tế của việc xây dựng kế hoạch 2021 -2025, gần như các dự án khởi công mới chúng ta lại chạy ngược lại, có tiền chúng ta mới phê duyệt. Tôi đề nghị Chính phủ cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan phải hướng dẫn thêm cho các bộ, ngành, địa phương để quán triệt với tinh thần của Luật Đầu tư công. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị các chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho giai đoạn tiếp theo bởi quy định trong các nghị định nêu rất rõ khi chuẩn bị đầu tư các dự án không cần thủ tục chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Trong Luật Đầu tư công cũng quy định đến trước ngày 31/7 Thủ tướng Chính phủ sẽ thông báo giao dự kiến sơ bộ vốn giai đoạn sau, ít nhất bằng tổng mức đầu tư của năm trước. Chúng tôi thấy các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động trong việc này, tránh câu chuyện cứ chuyển giải ngân từ năm trước sang năm sau.

Trước đây không có Luật Đầu tư công, chẳng như là các dự án đầu tư sử dụng cấu phần xây dựng là thực hiện theo pháp luật xây dựng thì rất rõ rồi, còn một số những dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị hoặc một số những dự án chẳng hạn như là mua nhà, mua cửa thì lại theo các luật chuyên ngành khác, dự án nhóm A, dự án nhóm B, nhóm C, trong Điều 6 quy định phân loại các dự án đầu tư công. Luật Đầu tư công năm 2014 cũng như Luật Đầu tư công 2019 không có thay đổi gì về phân loại dự án. Ở đây thực ra vướng mắc chủ yếu liên quan Thông tư số 65/2021 của Bộ Tài chính về Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng sửa chữa tài sản công. Vừa rồi Kiểm toán Nhà nước đề nghị sẽ không cho phép thanh toán những nội dung này của năm 2022. Chúng tôi thấy cũng sẽ rất nguy hiểm, đề nghị Chính phủ khẩn trương có rà soát lại và có hướng dẫn điều chỉnh lại những thông tư này, không sẽ vướng mắc cho cả thời kỳ trước nữa.

Phóng viên: Thưa đại biểu, ý kiến của bà thế nào trước đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng số tiền còn dư từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương ương năm 2021 bổ sung cho 5 dự án trong đó có 4 dự án của Bộ Y tế và 1 dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội?

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Liên quan trong dự thảo nghị quyết cũng như ý kiến về sử dụng số tiền còn dư từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương ương năm 2021. Tuy nhiên, theo tôi, đề nghị này chưa đủ căn cứ pháp lý. Đó là liên quan về việc cho phép sử dụng 292.000,7 tỷ đồng còn dư từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định để bổ sung cho 5 dự án trong đó có 4 lĩnh vực của Bộ Y tế và 1 dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi thấy đưa ra nội dung này cũng chưa phù hợp. Vì hiện nay các dự án này chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa quyết định đầu tư. Trong thông báo kết luận của Bộ Chính trị cũng có yêu cầu triển khai thực hiện những dự án phải đúng quy định pháp luật, trong khi nội dung này không thuộc chương trình phục hồi thì không nên đưa vào chương trình phục hồi, còn những dự án mà thực sự cấp thiết thì nên đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81312