ĐBQH NGUYỄN NGỌC TUẤN: XEM XÉT SỬA ĐỔI LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND LÀ CẦN THIẾT

Góp ý về nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giám sát tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, để nâng cao hoạt động giám sát của cơ quan dân cử cả về chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, thực chất thì việc sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là rất cần thiết.

Tại hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, thiết thực; sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động của cơ quan dân cử từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp. Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá rõ hơn về vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

ĐBQH Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Qua thực tế, đại biểu có đánh giá gì về sự lan tỏa các chương trình giám sát của Quốc hội tạo động lực cho hiệu quả giám sát Hội đồng nhân dân các cấp?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Thường trực HĐND TP Hà Nội thống nhất cao đối với đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ việc Đảng đoàn Quốc hội xác định “Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” cũng như sự quyết liệt, chuyên nghiệp, chất lượng hiệu quả từ các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực, hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Kết quả giám sát đã từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Thường trực HĐND TP cũng nhất trí cao với các nội dung chương trình giám sát năm 2024 theo Nghị quyết số 90 ngày 08/6/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 833 và Kế hoạch số 560 ngày 27/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây đều là những nội dung quan trọng, thiết thực, phù hợp thực tiễn và đang được cử tri, Nhân dân quan tâm. Thường trực HĐND TP sẽ phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội TP, UBND TP để triển khai nghiêm túc, trách nhiệm các nội dung giám sát đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả và đúng các quy định của Luật”

Đối với hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội, chúng tôi đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm sáng tạo của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của TP. Căn cứ các quy định của Luật và triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND”; Đề án số 15 ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”; hoạt động của HĐND các cấp TP tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Từ đó, Hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội đã tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, Nhân dân quan tâm. Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP. Hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND TP ngày càng thực chất, rõ kết quả và gắn với các sản phẩm cụ thể. Các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND TP diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả. Kết thúc các phiên chất vấn, HĐND TP ban hành Nghị quyết chất vấn, điểm mới là kèm theo phụ lục các “cam kết”, “lời hứa”, lộ trình, thời gian hoàn thành, đồng thời định kỳ, thường xuyên theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc theo hạn định đã cam kết. Trường hợp cần thiết tiếp tục tái chất vấn, với quan điểm đi đến kết quả cuối cùng của nội dung được giám sát. Thực tiễn cho thấy nhiều vấn đề sau chất vấn, giải trình đã được UBND TP, các cơ quan nghiêm túc, tập trung khắc phục và có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Đối với các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã và sẽ luôn phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực, trách nhiệm như các vấn đề giám sát rất quan trọng như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quy hoạch; phòng, chống dịch Covid-19... Từ đó, lan tỏa, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các cấp để các nội dung, lĩnh vực được Quốc hội giám sát xuyên suốt đến tận cơ sở và phát huy hiệu quả.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát ở tất cả các cấp trong năm 2024, thì việc xem xét sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có là cần thiết?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, tôi cho rằng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Theo tôi, đây là nội dung quan trọng, trong đó, cần quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND. Quy định cụ thể về các đối tượng có trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của HĐND là Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc có liên quan, để các nội dung chất vấn, nội dung giám sát được xem xét đồng bộ, thấu đáo và hiệu quả. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

Cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các Bộ ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội để tập trung hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật cũng quy định 9 nhóm chính sách quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó có nội dung quy định về mô hình tổ chức Chính quyền đô thị của Thủ đô; cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp TP. Đây là những điều kiện để HĐND các cấp TP có điều kiện thực hiện nhiệm vụ, trong đó hoạt động giám sát được tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82264