ĐBQH DƯƠNG KHẮC MAI: TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU THÊM MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG VỀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, tại phiên họp góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất với dự thảo luật trình kỳ họp lần này. Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, điều kiện đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ,…

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Dương Khắc Mai đóng góp về một số nội dung liên quan đến các tổ chức tín dụng nhằm hoàn thiện dự thảo Luật này.

Thứ nhất, về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Liên quan đến vấn đề này được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật liên quan khác, tuy nhiên để bảo vệ tốt quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, điều 161 của dự thảo luật bổ sung quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng thuộc các trường hợp sau đây. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, quy định như trên tương tự như quy định tại khoản 6 Điều 130a của luật hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ đặt ra quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có các văn bản chấm dứt áp dụng việc can thiệp sớm mà chưa quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng can thiệp sớm. Trong khi đó, nội dung này tại luật hiện hành có quy định tại khoản 3 Điều 130a. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát lại nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quá trình triển khai, thực hiện.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Thứ hai, về điều kiện đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ

Vấn đề này được quy định tại khoản 4 Điều 173 của Dự thảo Luật, quy định về tổ chức tín dụng hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện có hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của luật này. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và thành lập kiểm soát, kiểm toán nội bộ là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 57 và Điều 58 của dự thảo luật. Do đó, việc quy định như dự thảo luật là trùng lặp, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát nội dung này để đảm bảo tính thống nhất.

Đồng thời liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu và về cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng hệ thống chi nhánh.

Qua việc đối chiếu với các dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Dương Khắc Mai thấy có quy định về thủ tục thu, giữ tài sản đảm bảo tại Điều 188 dự thảo trình kỳ họp lần này đã bỏ nội dung trên. Tuy nhiên, trên thực tế việc thu, giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn thư khiếu kiện các cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ vào khoản 11 Điều 7 Thông tư 33 ngày 29/7/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, đồng thời các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý, bảo vệ tài sản khi thu, giữ. Để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan cũng như việc thực hiện thượng tôn pháp luật của các chủ thể, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp với quy định.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng cho biết, trải qua 12 năm thực hiện từ Luật các tổ chức tín dụng 2010 số 47/2010/QH12 đến Luật số 17/2017/QH14 các tổ chức tín dụng đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là các nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua các cơ chế ưu đãi về thủ tục hành chính, đất đai, thuế,…

Trên thực tế, đối với một số tỉnh, thành có diện tích nhỏ, bán kính từ trung tâm đến địa bàn khác ngắn như đối với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, các đô thị thì người dân được tiếp cận với hệ thống ngân hàng rất dễ dàng, nhưng đối với các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với diện tích rộng, khoảng cách đến trung tâm huyện, trung tâm tỉnh là rất xa, hạ tầng giao thông yếu kém, người dân còn rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với ngân hàng. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị nghiên cứu đưa vào luật cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng, mở rộng hệ thống chi nhánh, các phòng giao dịch tại vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo điều kiện để cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn./

Ngọc Thúy

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84150