ĐBQH DƯƠNG BÌNH PHÚ: RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Tại Phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) chiều ngày 9/11, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị, cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật sửa đổi với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 05 nội dung lớn về: nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: Tổ chức xét xử; Bảo vệ Tòa án; Điều kiện bảo đảm; Tòa án điện tử; Hợp tác quốc tế; Chế độ khen thưởng, kỷ luật; Điều khoản thi hành;…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Rà soát bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Góp ý vào dự án luật, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu rõ, nhiều nội dung, chính sách mới được sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp năm 2013 tới các đạo luật khác trong lĩnh vực tư pháp như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước...

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý thêm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của dự án Luật. Cụ thể như: một số quy định về nội hàm quyền tư pháp (Điều 2), Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Chương III) cần được tiếp tục rà soát, chỉnh lý để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; một số quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (Điều 3, Chương II), về tổ chức, bộ máy Tòa án nhân dân (Chương IV) như quy định về Tòa án nhân dân sơ thẩm, phúc thẩm, thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt... cũng cần được tiếp tục nghiên cứu để thống nhất với các quy định trong các đạo luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và về trình tự, thủ tục tố tụng, thi hành án...

Đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Làm rõ các nội dung liên quan đến thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

Liên quan đến quy định về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị làm rõ trong dự án Luật các vấn đề như: Việc bố trí cụ thể Tòa án sơ thẩm chuyên biệt tại các địa phương như thế nào, đặt ở khu vực thuộc địa hạt các huyện hay các tỉnh, việc bố trí các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt căn cứ vào yếu tố nào?.

Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý, vấn đề xét xử phúc thẩm đối với những bản án, phán quyết của Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Đồng thời, đề nghị rà soát lại biên chế, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các Thẩm phán đủ tiêu chuẩn bố trí cho các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đảm bảo chất lượng xét xử nhưng không được làm gia tăng biên chế, đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cân nhắc quy định thẩm quyền của Tòa án trong thu thập chứng cứ

Đối với quy định về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 không đặt ra vấn đề bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án, mà chỉ đặt ra vấn đề làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ (cả vụ án hình sự, dân sự, hành chính).

Vì vậy, theo đại biểu dự thảo Luật cần cân nhắc quy định thẩm quyền của Tòa án trong thu thập chứng cứ, còn thu thập chứng cứ trong trường hợp cụ thể nào sẽ do các luật tố tụng quy định. Thực tiễn cho thấy, khi giải quyết vụ án hình sự thì một số trường hợp Tòa án cần thiết phải thu thập chứng cứ (khoản 1, 3, 4 Điều 252 Bộ Luật Tố tụng hình sự...).

Ngoài ra đối với vụ án dân sự, hành chính, Cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ, chỉ đề xuất “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị làm rõ bởi quy định này dẫn tới vướng mắc ngay nếu Luật được thông qua, “người yếu thế trong xã hội” sẽ được xác định như thế nào? Mặt khác còn dẫn tới việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Nội hàm của khái niệm “hỗ trợ” chưa rõ ràng? Trong trường hợp “hỗ trợ” mà đương sự vẫn không thể thu thập được chúng cứ thì giải quyết thể nào?. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nội dung cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cân nhắc quy định thẩm quyền của Tòa án trong thu thập chứng cứ.

Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử

Về bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 thì Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua hoạt động “Giải đáp vướng mắc trong thực tiễn xét xử”. Trên thực tế, Tòa án nhân dân tối cao đã từng ban hành các công văn giải đáp các thắc mắc. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì Công văn, Thông báo/Giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, khi xét xử, đã từng có một số Tòa án không xem xét, căn cứ các Công văn Thông báo/Giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao.

Do đó, đại biểu đề nghị bỏ điểm c khoản 2 Điều 30. Trường hợp để đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật thì Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành đúng loại văn bản theo thẩm quyền được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cân nhắc thận trọng việc quy định về Thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật

Đối với thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải báo cáo để Chủ tịch nước biết; Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết.”.

Theo đại biểu quy định nêu trên mang ý nghĩa “Quyền đặc biệt” đối với Thẩm phán, tương tự như “quyền đặc biệt” đối với đại biểu Quốc hội, hiện được quy định tại Điều 81 Hiến pháp năm 2013, vì vậy, muốn quy định “quyền” này đối với Thẩm phán thì trước hết quyền này cần phải được quy định trong Hiến pháp.

Do đó, đại biểu đề nghị việc ghi nhận “quyền đặc biệt” này đối với Thẩm phán phải được cân nhắc thận trọng trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, trong đó có công chức, nhất là yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Đồng thời, cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm./.

Lan Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81997