ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA: NGHIÊN CỨU, LÀM RÕ ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH THỨ 4 VÀ 5

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu, làm rõ đối với chính sách thứ 4 và 5 để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: Phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng... Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.

Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Những khó khăn trong việc chậm giải ngân vốn ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến tại Phiên họp thứ 28 khi đề cập dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ đối với chính sách thứ 4 và chính sách thứ 5 về sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; Quản lý tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Đối với 2 chính sách này cần nghiên cứu để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

Trong 6/8 chính sách, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ sự đồng thuận với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nêu ra. Tuy nhiên, đối với chính sách thứ 4 về việc sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần phải cân nhắc đưa vào dự thảo Nghị quyết nội dung này cho mạch lạc và rõ ràng hơn. Bởi vì nếu quy định như trong dự thảo Nghị quyết thì thấy rằng, chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chủ dự án phát triển sản xuất sau khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh hoạt động mua sắm phù hợp với nội dung dự án hỗ trợ sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, quá trình triển khai sẽ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể là nếu chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa phải bỏ tiền ra mua trước rồi mới có hóa đơn để chứng minh thì câu chuyện đối với các dự án cần có hỗ trợ, tức là người ta rất khó khăn thì người ta mới cần có hỗ trợ, nhưng chúng ta lại quy định phải ứng trước ra mua và có đầy đủ hóa đơn để chứng minh thì lúc đó mới được quyết toán và cấp kinh phí hỗ trợ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị xem việc quy định như vậy có tính khả thi không và có tháo gỡ được khó khăn hay không hay chúng ta lại gặp những khó khăn phát sinh khác. Ngoài ra, trong nội dung này nếu xác định đây là tiền hỗ trợ thì hóa đơn, chứng từ được quy định chứng minh hoạt động mua sắm trong việc thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất được hiểu như thế nào đối với các chứng từ, hóa đơn để cần chứng minh, cần phải làm rõ nội dung này.

Đối với chính sách thứ năm đề cập việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Như báo cáo đánh giá tác động, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, trong quy định có yêu cầu chính sách đặc thù về quản lý tài sản được hình thành từ phần vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia để quản lý tài sản công đúng mục tiêu, mục đích, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần làm rõ việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ việc hỗ trợ với số lượng tiền không lớn. Nếu quy định việc quản lý tài sản công đối với nội dung này như trong báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc thì cũng sẽ gây khó khăn cho cơ sở. Vì vậy, đề nghị cần phải làm rõ thêm nội dung liên quan đến việc quản lý tài sản công từ việc hỗ trợ sản xuất đối với chính sách 5 này.

Đối với chính sách số 5 đề cập vấn đề quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu quan điểm: Ủy ban hoàn toàn nhất trí phải tháo gỡ các khó khăn khi sử dụng ngân sách để hỗ trợ để tạo ra các tài sản. Việc quản lý, bàn giao, hỗ trợ các tài sản này cho người dân cần phải thuận tiện, rõ ràng hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Nếu chúng ta quy định theo tinh thần như của Luật Quản lý tài sản công, trong thực tiễn địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, các cán bộ cấp xã, đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện được đúng các quy định này sẽ rất khó khăn. Sau khi các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hết thời hạn của chương trình mà lúc đấy tổ chức giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình xử lý tài sản, tổ chức kiểm kê, xử lý tài sản hình thành từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, chủ dự án phát triển sản xuất lại nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước… Tất cả những quy định như thế này trong thực tiễn sẽ rất khó cho cán bộ địa phương để có thể làm được, gây quan ngại trong quá trình tiếp nhận cũng như bàn giao các tài sản công này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Quang Mạnh, thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện việc quản lý, thanh lý một số tài sản công không còn sử dụng được nữa còn rất khó khăn, vướng mắc nữa là những đối tượng ở cấp xã, thôn, bản. Chính vì vậy, cho nên là ở đây còn băn khoăn trường hợp này, nếu được thì thiết kế như Chương trình 135, tức là đối với các tài sản có quy mô mà chúng ta thấy hỗ trợ cho bà con được thì bàn giao và hỗ trợ, giao trách nhiệm quản lý cho cộng đồng, cho người dân luôn. Đó là lý do tại sao trong tham mưu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đối với các chính sách còn băn khoăn, còn tất cả các nội dung khác thì đã thống nhất và hoàn toàn ủng hộ theo Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc vừa trình bày.

Không thể tháo gỡ mà lại tạo rào cản mới và đẩy nhanh mà lại tạo thủ tục rườm rà hơn

Nêu quan điểm về chính sách thứ 4 và thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về cơ bản, Ủy ban thống nhất với nhiều nội dung Chính phủ trình. Trong này có 8 chính sách và các cơ quan của Hội đồng dân tộc cũng đã thẩm tra. Đối với chính sách thứ 4 có lẽ phải làm rõ hơn, nếu chúng ta chỉ quy định công khai thực hiện quyết định phương thức mua sắm, đảm bảo công khai, minh bạch và thanh toán sau khi có hóa đơn, chứng từ thì không nghĩ rằng có thể tháo gỡ được vướng mắc đó ở địa phương. Khi đó, chúng ta quy định lại phát sinh vướng mắc khác, không đáp ứng được mục tiêu. Chỗ này cũng cần phải làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Thứ hai là cơ chế quản lý tài sản. Chính sách thứ 4 trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã giải quyết một bước, đã cân nhắc vấn đề này để có quy định cụ thể. Cái gì còn vướng mắc thì chúng ta có thể có cơ chế đặc thù riêng; còn như ở đây là quy định cơ chế mới hoàn toàn khác với quy định của Luật Đấu thầu và các quy định liên quan.

Đối với chính sách thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thấy đối tượng thực hiện chính sách này chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu chúng ta quy định một cơ chế như cách đang dự thảo trong nghị quyết đây thì rất khó, không khả thi và sau cùng lại phát sinh vướng mắc, không đáp ứng mục tiêu.

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Quang Phương nhấn mạnh: Về 8 cơ chế, chính sách đặc thù, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các chính sách đặc thù nhằm thể hiện đầy đủ nội dung đã được giao tại Nghị quyết 98, Nghị quyết 100, sát với tình hình thực tiễn và bảo đảm khắc phục được những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Không thể tháo gỡ mà lại tạo rào cản mới và đẩy nhanh mà lại tạo thủ tục rườm rà hơn là không nên.

Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc các địa phương báo cáo những vấn đề về kết luận của Kiểm toán nhà nước. Không phải chỉ để giải quyết cái đã qua mà để quy định những cái tới đây để sau này kiểm toán không còn xuất toán nữa mới phát huy được giá trị đồng tiền đến với người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Quang Phương.

Riêng chính sách 4, chính sách 5 cần nghiên cứu để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Nhất là thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán cần làm rõ hơn, tháo gỡ khó khăn đến cùng. Như ý kiến phát biểu của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đã tháo tháo cho đến cùng, tháo giữa chừng dừng lại đó là lại khó khăn tiếp thì không nên.

Về chính sách thứ 5, xung quanh quản lý, sử dụng tài sản hình thành sau dự án phải nghiên cứu thiết kế theo cách như chúng ta đã có những kinh nghiệm của Chương trình 135, không nên thêm phát sinh mới, cần lựa chọn kỹ chính sách và sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết là thực hiện được ngay, tránh việc Chính phủ và các Bộ ngành phải thêm nhiều văn bản khác.

Trong 8 chính sách đó, những nội dung nào đã rõ quy định cho rõ, những nội dung nào cần quy định về nguyên tắc, định hướng nêu rõ định hướng và giao cho Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ. Thời gian áp dụng như Chính phủ nhưng thêm câu “cho đến khi Quốc hội có quy định mới sẽ bao quát hơn, đầy đủ”, bởi vì nếu có phê duyệt chương trình thời kỳ sau cũng phải có những quy định mới. Những nội dung này Chính phủ giải trình và phối hợp với Hội đồng Dân tộc để gợi ý cho Quốc hội thảo luận thêm./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83889