Dạy nghề góp phần nâng cao dân trí và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn xác định công tác dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Từ chủ trương đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS.

Sau khi học nghề chăn nuôi thú y, học viên người DTTS đã mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi trâu của hộ gia đình dân tộc Dao xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Văn Phú

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, chủ yếu là đồng bào các DTTS như Mông, Nùng, Dao, Pà Thẻn, Sán Dìu, Lô Lô... (riêng dân tộc Mông chiếm trên 31% dân số). Qua khảo sát đánh giá của cơ quan chức năng, các học viên nông dân là người DTTS sau khi học nghề đã phát huy được những kiến thức đã học để áp dụng trong cuộc sống nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Do đó, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá nhu cầu đào tạo, thời gian và phương pháp đào tạo tại từng vùng nông thôn trong tỉnh. Từ đó, nhiều mô hình dạy nghề và liên kết dạy nghề cho đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả. Có thể kể đến một số mô hình dạy nghề cho đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao như: Dạy nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè Shan tuyết cho đồng bào DTTS tại huyện Hoàng Su Phì; dạy nghề kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây cam sành tại huyện Bắc Quang; dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi thú y tại huyện Bắc Mê; dạy nghề kỹ thuật trồng rau an toàn cho nông dân đồng bào DTTS tại huyện Quản Bạ, Đồng Văn và Vị Xuyên; dạy nghề kỹ thuật trồng, thu hái và sơ chế cây dược liệu tại 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ...

Chị Triệu Thị Hoa, dân tộc Dao, xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì cho biết: "Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS của Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp của huyện đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Những nông dân người DTTS khi tham gia học nghề đã được nâng cao dân trí và nâng cao kiến thức cơ bản trong trồng trọt và chăn nuôi; từ đó, họ đã phát huy được hiệu quả trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương".

Anh Vàng Seo Lử, dân tộc Mông, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn cho biết: "Sau khi được học nghề sửa chữa xe máy của Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện đã giúp chúng tôi không những nâng cao kỹ thuật và biết sửa chữa những hỏng hóc thông thường của xe máy và các loại máy nông nghiệp như máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ, máy bơm nước..., mà quá trình học nghề cũng giúp chúng tôi nâng cao hiểu biết về đời sống xã hội".

Các học viên người DTTS của lớp dạy nghề cho lao động nông thôn huyện Bắc Mê tham gia thực hành điều tra sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Văn Phú

Qua khảo sát, đánh giá về công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS tại các huyện, thành phố của Hà Giang đều cho kết quả phù hợp với yêu cầu của thực tế, hình thức dạy nghề linh hoạt, thời gian dạy phù hợp, đã thu hút và tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn nói chung và đồng bào DTTS nói riêng tham gia học tập. Cũng qua công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao dân trí và nguồn nhân lực cho lao động nông thôn tại các địa phương trong tỉnh. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp tỉnh Hà Giang đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công nông thôn mới trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Theo tổng kết, đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang: Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung và dạy nghề cho đồng bào DTTS nói riêng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động vùng nông thôn theo hướng tích cực, đa số lao động có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng (tùy vị trí việc làm) và là cơ sở để giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. Đây chính là bước đột phá sau những nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách học nghề đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thực tế cho thấy, có được hiệu quả cao trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là người DTTS ở Hà Giang là bởi trước khi bước vào đào tạo nghề, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của từng địa phương. Vì vậy, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung và đồng bào DTTS nói riêng luôn đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế và phát huy hiệu quả cao. Chính vì vậy, công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao trình độ dân trí và thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các DTTS và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phạm Văn Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-nghe-gop-phan-nang-cao-dan-tri-va-thu-nhap-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post469515.html