Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Đồng Nai đang vào cao điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Các ngành chức năng xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Thành Nhân

“Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Cốp (Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) Hồ Thái Nguyên cho biết, công việc trong cao điểm mùa khô nhiều tháng qua rất nhiều nên ông ít về nhà, mà ở lại cùng đồng đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Ngoài tuần tra, canh gác trong rừng, tôi còn dành thời gian “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân ký bản cam kết thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR; vận động bà con trong việc sử dụng phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCCCR khi có sự cố xảy ra…” - ông Nguyên cho hay.

UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc đảm bảo an toàn PCCCR trong cao điểm mùa khô năm 2024, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, yêu cầu chủ rừng, người dân sinh sống, hoạt động ven rừng, trong rừng nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCCR.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, diện tích rừng do đơn vị quản lý có đường ranh giới dài, tiếp giáp với 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Khu vực này thường xảy ra các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép. Còn phía Đông và phía Nam của đơn vị tiếp giáp với vùng bán ngập hồ Trị An, có chiều dài trên 118km. Đây là khu vực xung yếu nhất vì vào mùa này cây mai dương khô chết, tạo nên lớp thảm mục dày, dễ bắt lửa gây cháy.

Bên cạnh đó, dự báo tình hình cây ươi phân bố trên địa bàn có khả năng ra hoa, đậu quả với tỷ lệ cao vào thời gian cao điểm của mùa khô. Quả ươi có giá trị kinh tế cao nên các trường hợp người dân xâm nhập vào rừng trái phép để khai thác, vận chuyển, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCCCR.

Tuy nhiên, đơn vị sớm nắm bắt được tình hình và đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm ngặt công tác QLBVR, PCCCR. Ngoài tuần tra, chốt trực để ngăn chặn các đối tượng ra vào rừng trái phép, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Cụ thể, đơn vị thường xuyên cử người xuống địa bàn tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cộng đồng dân cư địa phương những quy định của Nhà nước về tác hại của việc cháy rừng, nghĩa vụ của công dân trong việc PCCCR, những hình thức xử lý đối với người gây ra cháy rừng; tăng cường tuyên truyền bằng tờ rơi và treo
băng-rôn tuyên truyền về công tác PCCCR tại các khu vực có người dân qua lại...

“Đơn vị xác định mọi công việc trong QLBVR, PCCCR đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân. Bởi chủ rừng có nỗ lực bao nhiêu mà người dân không chung tay góp sức thì công tác QLBVR, PCCCR sẽ gặp nhiều áp lực” - ông Hảo chia sẻ.

Chung tay bảo vệ rừng mùa nắng nóng

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long cho hay, hiện trong lâm phận đơn vị quản lý có hơn 2,2 ngàn hộ nhận khoán. Do đặc tính sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, các hộ dân thường trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày trong lô rừng hoặc phân bố xen kẽ diện tích sản xuất nông nghiệp với diện tích rừng trồng. Sau khi thu hoạch nông sản, người dân thường không thu dọn vật thải ngay nên đã tạo ra nguồn vật liệu cháy rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án PCCCR ngay từ đầu mùa khô, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

“Chúng tôi đã phân công cán bộ, nhân viên thường xuyên tiếp xúc với người dân để nhắc nhở, đôn đốc, vận động thực hiện tốt công tác PCCCR. Đơn vị còn phối hợp tuyên truyền trên loa phát thanh ở địa phương về những quy định cơ bản trong lĩnh vực lâm nghiệp cho bà con nắm... Nhờ đó, nhận thức của đa số người dân ngày càng nâng lên và tích cực tham gia vào công tác PCCCR” - ông Long nói.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh, thời gian qua, đơn vị thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, đơn vị đã giảm sử dụng tờ rơi, áp phích mà tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội..., nhằm tạo sự lan tỏa, chung tay bảo vệ rừng trong cộng đồng người dân vùng đệm.

Hiện nay, ngoài bố trí người trực 24/24 tại các cửa ngõ ra vào rừng để ngăn chặn đối tượng xâm nhập rừng trái phép, lực lượng chức năng còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân sinh sống trong và ven lâm phận. Ngoài ra, còn đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con cam kết thực hiện PCCCR; cẩn trọng khi sử dụng lửa trong quá trình canh tác nương rẫy nằm xen kẽ trong rừng…

Sự nỗ lực của ngành chức năng, cùng với sự hợp tác của người dân trong công tác PCCCR đã góp phần quan trọng trong bảo vệ màu xanh của rừng trước tình hình nắng nóng gay gắt. Thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục “căng mình” giữ rừng để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong cao điểm nắng nóng.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202404/day-manh-tuyen-truyen-canh-bao-nguy-co-chay-rung-0105baa/