Đẩy mạnh thông quan hàng hóa tại cửa khẩu

Thời gian qua, do diễn biến phức tạp về phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới, đặc biệt phía Trung Quốc thực hiện chiến dịch 'Zero Covid' nên nhiều cửa khẩu như Lào Cai và Quảng Ninh dừng thông quan hàng nông sản. Trong khi tại Lạng Sơn, tính đến nay chỉ còn bốn trong tổng số 12 cặp cửa khẩu duy trì hoạt động thông quan, gây ùn ứ hàng nông sản kéo dài. Ðể giải quyết tận gốc vấn đề này, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài cũng như sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế.

Thông quan xuất khẩu hàng nông sản ở Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). (Ảnh Quốc Hồng)

Thông quan xuất khẩu hàng nông sản ở Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). (Ảnh Quốc Hồng)

Hàng nghìn xe nằm chờ ở cửa khẩu

Sau khi dừng tiếp nhận phương tiện chở nông sản xuất khẩu qua đường bộ từ ngày 16/2, theo kế hoạch dự kiến, từ ngày 15/3, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp nhận các phương tiện chở nông sản trở lại. Trong khi đó, số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ trong nước lên khu vực cửa khẩu chờ xuất có xu hướng tăng, trung bình từ 50 đến 70 xe/ngày. Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 5/3, tại bốn cửa khẩu nêu trên tồn hơn 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Riêng tại bãi chờ Bảo Nguyên, vẫn còn gần 500 xe chờ thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh. Do đó, tỉnh Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu đến ngày 15/3.

Thời gian qua, mặc dù bốn cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn tích cực hoạt động, nhưng năng lực thông quan rất thấp do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: Tăng cường xét nghiệm, phun khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, phương thức giao nhận hạn chế tiếp xúc giữa hai bên... Ðồng thời hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải kiểm hóa 100% cho nên hiệu suất thông quan rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng 90-100 xe xuất/ngày.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) cho biết: Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện phương thức giao hàng hóa chưa có tiền lệ như trao đổi hằng giờ, hằng ngày với cơ quan chức năng phía bạn để quy trình được đẩy nhanh. Tuy nhiên do chính sách "Zero Covid" và các biện pháp phòng, chống dịch, hiệu suất thông quan hiện vẫn còn rất thấp.

Những ngày gần đây, không chỉ các cửa khẩu tại phía Việt Nam ùn ứ hàng hóa mà số xe hàng chờ xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng tăng cao, bình quân tồn khoảng 1.500 xe và chính quyền phía Trung Quốc liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động điều tiết và phân luồng phương tiện... Hiện nay, phía Trung Quốc vẫn đang dừng thông quan hàng nông sản qua cửa khẩu các tỉnh Lào Cai và Quảng Ninh, theo dự báo trong thời gian từ ngày 15/3 đến 20/4, lượng xe nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ tăng lên cao bình quân khoảng 2.000 xe, và tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu vẫn có thể xảy ra. Do đó việc đẩy mạnh các giải pháp vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tăng cường năng lực thông quan hàng hóa đang được tỉnh Lạng Sơn tập trung triển khai.

Giải quyết tận gốc điểm nghẽn

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu trong thời gian vừa qua từ các nguyên nhân là: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Từ đó dẫn đến tâm lý người dân thấp thỏm, lo âu từng mùa vụ, đến khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính. "Một nguyên nhân dễ nhận thấy là chúng ta bị động và "hay quên", bởi khi giải phóng được ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện lại trôi đi mà không tìm nguyên nhân căn bản, chỉ ra giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc việc đứt gãy...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cách làm kinh tế hiện nay vẫn "mù mờ" không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn theo chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu, tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường. Nhiều đơn vị rất thờ ơ với câu chuyện thị trường. Doanh nghiệp luôn nắm bắt thị trường, dẫn dắt nông dân sản xuất, do đó, nếu doanh nghiệp "dễ dãi" với chính mình thì hệ lụy sẽ rất lớn...

Ðể tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu mới, như từ ngày 26/2, tỉnh Lạng Sơn và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải đã áp dụng hình thức cắt container, các lái xe từ tỉnh ngoài sẽ bàn giao hàng hóa sang cho xe đầu kéo và lái xe chuyên trách tại cửa khẩu. Lực lượng này, cũng sẽ bàn giao cho phía Trung Quốc tại vùng đệm trên biên giới. Mô hình cabin khép kín, không tiếp xúc sẽ tăng tính an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa khi triển khai theo hình thức này, tổng chi phí còn giảm đi so với trước.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, việc thí điểm phương thức giao hàng mới chưa tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp, thương nhân... Chưa kể sự lúng túng của các cơ quan chức năng làm việc tại cửa khẩu khiến phương thức giao hàng mới vẫn chưa phát huy hiệu quả...

Mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến "Ðể nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Ðâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Ðoàn Thu Hà cho rằng, trước mắt cần tiếp tục duy trì và làm tốt việc xây dựng "vùng xanh, luồng xanh" nhằm bảo vệ khu vực cửa khẩu, kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu. Mặt khác tỉnh Lạng Sơn sẽ tích cực trao đổi với chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc) cùng nghiên cứu, sớm thống nhất phương án giao nhận hàng hóa phù hợp; thí điểm hợp tác công nhận một lần kết quả xét nghiệm; khử khuẩn đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa xuất khẩu tại vùng an toàn khu vực cửa khẩu hai bên.

Song, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa của từng thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… thậm chí cả thị trường trong nước. "Ðây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu. Qua đó, các bộ, ngành, hiệp hội cùng ngồi lại để giải mã, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Ðồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Cùng với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc liên tục thông tin, điện đàm với phía Trung Quốc, thiết lập "vùng xanh" giúp thông quan thuận lợi... thì các doanh nghiệp với vai trò là người nắm bắt thị trường, dẫn dắt sản xuất, cần có phương án chủ động cập nhật chính sách về nhập khẩu nông sản của các nước một cách kịp thời, mở rộng các thị trường khác để tăng khả năng tiêu thụ, tránh bị động, ngồi đợi… Mặt khác, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần thúc đẩy các kênh tiêu thụ trong nước; đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu nói chung và các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

Về giải pháp lâu dài, cơ quan chức năng Việt Nam cần đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với nhiều loại hoa quả đang chuẩn bị đến mùa thu hoạch nhằm giảm thủ tục, thời gian kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu ■

Lê Ðức Nghĩa, Hùng Tráng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/day-manh-thong-quan-hang-hoa-tai-cua-khau-688122/