Đẩy mạnh phòng, chống bệnh lao

Trên thế giới, bệnh lao hiện vẫn là vấn đề còn rất nặng nề ở các nước đang phát triển. Hàng năm có tới 2 tỷ người bị phơi nhiễm lao, 9 triệu ca mắc mới và 2 triệu người tử vong. Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao.

Bác sỹ trạm y tế xã Kim Bôi (Kim Bôi) tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân lao cách sử dụng thuốc tại gia đình.

Bác sỹ trạm y tế xã Kim Bôi (Kim Bôi) tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân lao cách sử dụng thuốc tại gia đình.

Tại Hòa Bình, thống kê 9 tháng năm 2020 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã tổ chức khám sàng lọc và xét nghiệm cho 1.346 người có biểu hiện, nguy cơ mắc lao, phát hiện 356 người mắc bệnh lao. Đã điều trị thành công cho 334/356 bệnh nhân, đạt 94%. Tất cả bệnh nhân đều được theo dõi, quản lý, điều trị. Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động về phòng, chống lao (PCL), chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổ chức giám sát, hỗ trợ các Trung tâm Y tế tuyến và các xã, phường trọng điểm; tổ chức các lớp tập huấn về phòng ngừa chuẩn, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, quản lý chương trình chống lao, hệ thống báo cáo, nhập phần mềm Vitimes cho cán bộ hoạt động chương trình lao tuyến tỉnh, tuyến huyện cho các học viên là bác sỹ điều trị, chuyên trách lao, cán bộ xét nghiệm lao; thực hiện khám, xét nghiệm sàng lọc, chụp Xquang phổi phát hiện bệnh lao cho người dân có nguy cơ, người có biểu hiện nghi mắc bệnh và tất cả bệnh nhân đang điều trị Methadone tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh.

Chương trình PCL quốc gia đã tiến hành các buổi giám sát hỗ trợ tại một số huyện trọng điểm về các hoạt động của dự án PCL; công tác triển khai mạng lưới tại các tuyến; tình hình phát hiện, thu nhận, quản lý điều trị; thuốc - vật tư - trang thiết bị; công tác truyền thông, giám sát; hoạt động lao kháng thuốc và hoạt động lao/HIV.

Bên cạnh công tác giám sát, hỗ trợ, cán bộ của Chương trình PCL quốc gia, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố thường xuyên giám sát tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời đến thăm hộ có bệnh nhân lao đang được quản lý, điều trị tại cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều trị bệnh.

Nhờ có sự tư vấn của đội ngũ các y, bác sỹ, bệnh nhân: Bùi Văn Th, 34 tuổi, trú tại xóm Cóc Lẫm, xã Kim Bôi (Kim Bôi) khi thấy tình trạng sức khỏe giảm sút, người mệt mỏi, ho nhiều, hay sốt về đêm… đã kịp thời đến các cơ sở y tế để được khám, chụp Xquang, được chẩn đoán mắc bệnh lao, hiện bệnh nhân uống thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.

Đồng chí Kiều Đình Vì, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Chương trình PCL đã được triển khai tại tỉnh nhiều năm theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình PCL quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta chuẩn bị thực hiện chiến lược tăng cường phát hiện bệnh lao, tiến tới cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, chính vì vậy, chương trình PCL trong thời gian tới phải thay đổi về mặt chiến lược, chuyển từ phát hiện thụ động sang phát hiện chủ động. Hiện nay, đã có đầy đủ thuốc PCL, đường lối, mạng lưới, nhưng khó nhất là phát hiện bệnh lao tại cộng đồng, để đảm bảo tỷ lệ phát hiện bệnh lao trên địa bàn đáp ứng được chỉ tiêu PCL quốc gia, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt bệnh lao trên toàn quốc cũng như tỉnh Hòa Bình”.

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan nếu không biết cách phòng bệnh, là kẻ giết người thầm lặng. Vì vậy, khi có các biểu hiện như ho kéo dài trên 2 tuần; ho khạc ra đờm, đôi khi vướng máu; đau tức ngực; ăn mất ngon, sụt cân; cảm giác yếu sức, mệt mỏi; thỉnh thoảng sốt; đổ mồ hôi về đêm; sưng tấy ở cổ, nách, háng… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chụp Xquang, xét nghiệm… nhanh chóng phát hiện ra bệnh để được điều trị kịp thời.

Minh Thủy (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/147553/day-manh-phong,-chong-benh-lao.htm