Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh đã trở thành phương thức giao dịch khá phổ biến, được cả DN sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chủ động khai thác. Với nhiều chuyển biến tích cực về hạ tầng, quy mô thị trường TMĐT, hoạt động TMĐT được dự báo có nhiều dư địa thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.

 Các cửa hàng bán lẻ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: H.T

Các cửa hàng bán lẻ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: H.T

Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án hữu hiệu cho nhiều DN của tỉnh Quảng Trị từng bước vượt khó, tìm cơ hội mới từ nhu cầu phát sinh của thị trường. Cùng với đó, thói quen mua hàng của người tiêu dùng dần dịch chuyển từ truyền thống sang mua hàng trực tuyến (online) thông qua phương tiện điện tử. Nhằm hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh phát triển TMĐT, phục hồi SX-KD, khắc phục các tác động tiêu cực của COVID-19, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2021.

Theo đó, đối với Chương trình TMĐT quốc gia năm 2021, Sở Công thương phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số thực hiện hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Trị. Đối với chương trình TMĐT địa phương, Sở Công thương tiến hành nâng cấp giao diện và các tính năng trên sàn TMĐT tỉnh Quảng Trị để cập nhật thêm các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của tỉnh; kết nối 5 DN trong tỉnh tham gia các sàn TMĐT uy tín trong nước nhằm đăng ký gian hàng, cập nhật sản phẩm, thông tin, giá bán, nội dung, hình ảnh sản phẩm lên sàn shopee, lazada, đồng thời hỗ trợ theo dõi, hướng dẫn DN tương tác trực tiếp với người mua; hướng dẫn theo dõi, cập nhật dữ liệu sản phẩm lên sàn Shopee, Lazada... và duy trì Cổng thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 691 triệu đồng, trong đó, từ ngân sách trung ương là 343 triệu đồng và từ ngân sách địa phương là 348 triệu đồng. Cũng trong năm 2021, ngành Công thương đã tham mưu tuyên truyền triển khai chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng ký danh sách DN tham gia sàn TMĐT Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Bưu chính Viettel; phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số về việc cung cấp danh sách DN xuất khẩu tỉnh Quảng Trị đăng ký tham gia xúc tiến bán hàng trên nền tảng hỗ trợ xuất khẩu ECVN và các nền tảng hợp tác với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Tham mưu xây dựng 4 đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2022 trình Bộ Công thương phê duyệt.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là phối hợp với các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh TMĐT. Đồng thời, nâng cao nhận thức về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước, DN và thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn. Phối hợp đơn vị tư vấn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử cho một số DN và vận hành sàn TMĐT tỉnh Quảng Trị, liên kết với các sàn TMĐT của các tỉnh lân cận nhằm quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, các sản phẩm OCOP...

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, bên cạnh các giải pháp về đầu tư hạ tầng và công tác quản lý, tỉnh cũng đã xây dựng chiến lược chú trọng hỗ trợ các DN trên địa bàn ứng dụng TMĐT trong hoạt động SX-KD nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng hiện đại. Đồng thời xây dựng các giải pháp nâng cao uy tín của DN và lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT thông qua tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và DN, khuyến khích DN khởi nghiệp.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=171147&title=day-manh-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-