Đẩy mạnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tạo lan tỏa kênh bán hàng

Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, công tác phối hợp giữa Sở Công thương với các sở, ngành có liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên nguồn nhân lực của tỉnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử còn yếu, doanh nghiệp (DN) chưa chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và TMĐT phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu tham quan sản phẩm Vicosap tại hội thảo tình hình tiêu thụ nông sản và giải pháp tìm kiếm thị trường. Ảnh: TL

Để giúp DN thuận lợi kinh doanh trên sàn TMĐT, tỉnh đã tập trung xây dựng phần mềm thực hiện đề án “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh” và ứng dụng di động (Mobile Application) trên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh. Triển khai tích cực các chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng TMĐT để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Thực hiện liên kết sàn TMĐT của tỉnh (https://travinhtrade.vn) với 14 tỉnh, thành trên cả nước.

Đến nay, có 181 DN với trên 915 sản phẩm tham gia cập nhật lên sàn TMĐT; có 5.441 chứng thư số cá nhân (2.599 chuyên dùng, 2.842 công cộng) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phục vụ các giao dịch điện tử; hỗ trợ Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè với 07 sản phẩm và Công ty Cổ phần Trà Bắc với 08 sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT quốc tế ALIBABA.COM. Trong năm 2024, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ 02 đơn vị Công ty TNHH Trà Vinh Farm và cơ sở sản xuất dầu dừa Phương Huỳnh tham gia sàn TMĐT ALIBABA.COM.

Bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè cho biết: bên cạnh mô hình kinh doanh truyền thống từ trước đến nay, thời gian qua, Vicosap đã chia sẻ quá trình kinh doanh thông qua các sàn TMĐT trong nước và sàn TMĐT quốc tế, những cơ hội và thách thức mà các DN khởi động phải đối mặt khi triển khai kinh doanh thông qua các nền tảng trực tuyến và chuyển đổi số mô hình sản xuất, kinh doanh. Sắp tới, được sự hỗ trợ của Hiệp hội TMĐT Việt Nam và đồng hành từ các sở, ngành tỉnh sẽ có nhiều lớp đào tạo thực chiến giúp các chủ DN có cơ hội học tập, nâng cao khả năng tiếp cận với khách hàng thông qua phương thức kinh doanh online.

Song song đó, các sở, ngành tỉnh đã hỗ trợ 84 DN, hợp tác xã, cơ sở tham gia mua bán, giao dịch qua Sàn TMĐT tỉnh với 445 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ DN vận hành hiệu quả 10 website và xây dựng 04 website cho 04 DN. Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm giao dịch, thúc đẩy các nền tảng POS đẩy các nền tảng POS thông minh, dùng chung tại điểm bán hàng. Kết quả có 100% các đơn vị như cửa hàng kinh doanh xăng dầu, siêu thị, chợ cửa hàng tiện lợi đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

Đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: số DN có sử dụng website, ứng dụng TMĐT phục vụ xuất nhập khẩu còn ít. Số lượng sàn TMĐT và DN có website bán hàng trên địa bàn tỉnh còn ít do DN của tỉnh đa số là DN nhỏ và vừa, nên nhu cầu chuyển đổi số, ứng dụng TMĐT, ứng dụng website bán hàng trong hoạt động kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó quy mô nền kinh tế của tỉnh còn hạn chế nên mức độ tập trung của các DN chuyên về TMĐT thấp. Tình trạng sử dụng hợp đồng điện tử của các DN trên địa bàn tỉnh chưa phổ biến.

Tại khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế trong việc tham gia các sàn TMĐT và kinh doanh trên mạng xã hội cũng như hạn chế trong ứng dụng công nghệ và thanh toán không dùng tiền mặt,... Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code,...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản còn hạn chế. Địa phương gặp khó khăn trong việc thống kê tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Đồng thời, cũng khó khăn trong việc thống kê trong giao dịch TMĐT giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng và chưa đánh giá được hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội do thiếu cơ chế báo cáo thống kê.

Để nâng cao chỉ số TMĐT trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ xây dựng DN chủ lực để áp dụng hình thức kinh doanh hiện đại, TMĐT nhằm hướng dẫn sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với thị trường và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng TMĐT và các nền tảng công nghệ số, chú trọng công tác kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các phương tiện này, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết: do việc kết nối giao thông của tỉnh Trà Vinh chưa thuận lợi nên việc phát triển TMĐT còn hạn chế. Chính vì thế, việc tương tác giữa các sở, ngành và các đơn vị phụ trách về hạ tầng internet giúp DN cập nhật, tham gia các chương trình đào tạo để đưa các sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, lan tỏa kênh bán hàng ra châu Mỹ, châu Âu. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng website, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, DN của tỉnh trên các sàn giao dịch TMĐT các tỉnh, thành trong cả nước và các sàn TMĐT trong nước và quốc tế.

MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/day-manh-kinh-doanh-tren-san-thuong-mai-dien-tu-tao-lan-toa-kenh-ban-hang-36720.html