Đẩy mạnh hợp tác kinh tế 5 tỉnh, TP của Việt Nam và Trung Quốc

Ngày mai 13/11, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10 sẽ khai mạc tại TP Hà Nội, có từ 200 - 250 đại biểu tham dự.

Hợp tác hiệu quả, thiết thực trên nhiều lĩnh vực

Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là cơ chế hợp tác được sáng lập từ năm 2004. Trải qua gần 20 năm phát triển với 9 lần hội nghị, hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố đã khẳng định tính hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh thành viên trên các lĩnh vực giao lưu hữu nghị, kết nối giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa nghệ thuật…

Du khách Trung Quốc nghe thuyết minh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, hồi tháng 3. Ảnh: Phương Nam Five Star Travel

Du khách Trung Quốc nghe thuyết minh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, hồi tháng 3. Ảnh: Phương Nam Five Star Travel

Sự hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và không ngừng được nâng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai công tác giao lưu trao đổi đoàn, thúc đẩy kết nối về giao thông, hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, y tế, tiền tệ và nghiệp vụ bảo hiểm; tăng cường tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các tỉnh đã khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế nối giao thông, thế mạnh của từng địa phương để cùng tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển. Nhiều chương trình dự án kinh tế quan trọng được triển khai, giao lưu qua các cửa khẩu, các khu kinh tế - thương mại trên biên giới ngày càng nhộn nhịp; kim ngạch thương mại không ngừng tăng lên.

Điểm nhấn gần nhất thể hiện tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được thể hiện, đó là tour du lịch vàng, kiểu mẫu “Hai quốc gia, Sáu điểm đến” do Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với châu Hồng Hà - tỉnh Vân Nam triển khai từ tháng 3/2023. “Hai quốc gia, Sáu điểm đến” gồm Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách mỗi bên. Đây cũng là sản phẩm du lịch góp phần minh chứng cho mối quan hệ hợp tác có trách nhiệm, bền chặt, mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác ngành du lịch giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu thường niên của hai bên như: Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung, Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua, hai quốc gia”, chương trình giao lưu nhân dân biên giới và các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao khác… Tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực: y tế; nông nghiệp; bảo vệ môi trường khu vực biên giới; quản lý lao động qua biên giới...

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị tường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc) trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc; đồng thời trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Tính từ tháng 1 - 8/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 103,92 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 11,7 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hợp tác đầu tư, Trung Quốc nằm trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Dòng vốn đa dạng ngành nghề và lĩnh vực từ dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng đến dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp.

Tiềm năng và dư địa lớn

Vân Nam (Trung Quốc) có chung đường biên giới với một số tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Với việc phát triển hạ tầng giao thông, việc đi lại giữa các địa phương rất thuận tiện, chính vì vậy, Vân Nam cùng một số tỉnh thành của Việt Nam như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cũng như Thủ đô Hà Nội, được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để hợp tác thương mại, đầu tư, cũng như tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch.

Với vị trí thuận lợi, tỉnh Vân Nam là cầu nối hữu hiệu cho hàng hóa của Việt Nam có thể tiến sâu, vươn xa đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam của Trung Quốc và là cửa ngõ quan trọng đưa các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Việt Nam đến với thị trường khu vực ASEAN giàu tiềm năng.

Vì vậy, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam còn rất lớn.

Với Hà Nội, nhiều năm nay, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vân Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về du lịch, thể hiện qua các chương trình giao lưu, làm việc thường xuyên và hiệu quả. Hà Nội và Vân Nam đã thúc đẩy quan hệ trao đổi khách du lịch hai chiều, giúp đỡ nhau tổ chức xúc tiến du lịch, khảo sát du lịch tại mỗi bên.

Tỉnh Vân Nam còn có các điểm đến hấp dẫn khác gồm thành cổ Lệ Giang, thành cổ Đại Lý, Thạch Lâm, hang động Alư, Vân Nam Bảy Sắc, Thiên Long Bát Bộ… Ngược lại, du khách Trung Quốc đến Hà Nội được khám phá nét đẹp văn hóa, lịch sử của các địa điểm nổi tiếng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ trong lòng thành phố, các bảo tàng, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đất Hà thành…

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ 10 do UBND TP Hà Nội chủ trì, dự kiến được tổ chức trong 2 ngày trong tháng 11/2023 với khoảng 200 - 250 đại biểu tham dự.

Hội nghị là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế quan trọng của Thủ đô Hà Nội, thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, Hội nghị sẽ đánh giá lại việc thực hiện các nội dung hợp tác trong Biên bản Hội nghị lần 9, bàn biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác trong thời gian tới, góp phần thúc đầy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành viên và hợp tác có lợi cho các Bên trong Hành lang kinh tế.

Dự hội nghị sẽ có đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc, các viện nghiên cứu, trường đại học; hiệp hội, đại diện doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam; các tổ chức, hiệp hội, đại diện doanh nghiệp của Trung Quốc.

Chương trình Hội nghị gồm: Lễ khai mạc; Phiên toàn thể; các Phiên thảo luận chuyên đề: Đầu tư, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, logistic; Lễ bế mạc… Tại Hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết biên bản hội nghị, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các bên…

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/day-manh-hop-tac-kinh-te-5-tinh-tp-cua-viet-nam-va-trung-quoc.html