Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024

Ngày 2/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các tỉnh, thành phố và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Dự tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Phan Trọng Tấn- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.

Năm 2023, hoạt động ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong khoảng 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, nâng tầm, nâng cấp.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá, đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước xúc tiến đầu tư; vận động đầu tư FDI, thu hút ODA thế hệ mới. Ngoại giao kinh tế cũng đóng góp tích cực vào hội nghập và liên kết quốc tế. Các bộ, ngành tiếp tục triển khai 16 FTA đã ký kết; thúc đẩy đàm phán CEPA với UAE, các FTA với EFTA, Mercosur... Cơ chế phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế được đổi mới, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện ngoại giao kinh tế được tăng cường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Bám sát chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 tập trung vào 5 trọng tâm: Thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được nhằm tận dụng tối đa việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác để chuyển hóa thành các dự án, có kết quả cụ thể; tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế đất nước; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hòa trong ứng xử quốc tế; nâng cao nhạy bén và chất lượng của công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế, tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thảo luận, đánh giá tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng, nhất là về xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, các động lực tăng trưởng mới... nhằm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao trong giai đoạn tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững...” vì vậy, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu đất nước và kết nối hợp tác, ngoại giao, khẳng định quan điểm độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế xuyên suốt của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp, có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Vì vậy, để ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp và các Đại sứ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, kịp thời thích ứng với các chính sách; củng cố thị trường đã có song song với mở rộng các thị trường mới; chú trọng khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm; khẳng định thương hiệu thông qua phát triển kinh tế xanh, kinh tế số....

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững phải kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, giữa ngoại lực và nội lực, đảm bảo hài hòa về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, phòng chống tham nhũng cũng như hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, đối tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/trong-tinh/day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-nam-2024/209611.htm