Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế

Chiều nay 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: L.A

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2023, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung kinh tế trở thành trọng tâm của gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay. Mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, nâng tầm, nâng cấp.

Cụ thể, đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 đối tác chủ chốt, nâng tổng số Đối tác Chiến lược toàn diện lên 7 nước. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại Cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh. Công tác huy động nguồn lực của cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào được quan tâm đẩy mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan đại diện đã tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tham gia các hoạt động đối ngoại, tổ chức các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường, vận động đầu từ FDI chất lượng cao, thu hút ODA thế hệ mới...

Công tác hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế được đẩy mạnh sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, gắn với thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế - xã hội được đẩy mạnh. Cơ chế phối hợp trong triển khai NGKT được đổi mới; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện NGKT được tăng cường.

Về công tác NGKT năm 2024, Bộ Ngoại giao tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được nhằm tận dụng tối đa việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác để chuyển hóa thành các dự án, có kết quả cụ thể.

Tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như: đa dạng hóa các sản phẩm để củng cố xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt; đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, AI...; phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng thị trường, phân khúc du khách; triển khai hiệu quả hợp tác lao động, khoa học - công nghệ; huy động hiệu quả nguồn vốn về tri thức, vốn đầu tư, vai trò cầu nối của kiều bào phục vụ phát triển nhanh kinh tế - xã hội đất nước.

Nâng cao nhạy bén và chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai NGKT, tăng cường nguồn lực triển khai NGKT.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị - Ảnh: L.A

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu công tác NGKT năm 2024 phải có những bước đột phá với tinh thần đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá; triển khai phải quyết liệt, hiệu quả và bền vững.

Chuẩn bị từ sớm, có chương trình, kế hoạch, nội dung cụ thể các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại Cấp cao với nội dung kinh tế là trọng tâm.

Triển khai nghiêm túc các cam kết, kết quả đạt được, các thỏa thuận hợp tác cấp cao đã được ký kết; đồng thời tập trung tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng trong hợp tác với các đối tác.

Củng cố động lực xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...; thâm nhập, mở rộng các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa thông qua đàm phán và ký kết các FTA mới; tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành và hệ sinh thái Halal, góp phần khai mở các thị trường rộng lớn của các nước Hồi giáo.

Đẩy mạnh truyền tải thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, bảo đảm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Tiếp tục tham mưu lãnh đạo Chính phủ tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài.

Thu hút các tập đoàn công nghệ lớn thành lập các trung tâm R&D, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, AI, hydrogen...

Đẩy mạnh huy động nguồn lực của 6 triệu kiều bào, đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu, nhất là các xu thế và vấn đề mới nổi tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, các động lực tăng trưởng của Việt Nam.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te/184584.htm