Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế sau dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực trên thế giới, nhiều công ty (Cty), doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Long An thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, khiến hàng ngàn công nhân (CN), lao động (LĐ) mất việc làm hoặc bị cắt giảm thời gian làm việc. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tăng làm cho cuộc sống CNLĐ gặp nhiều khó khăn.

Hàng ngàn lao động mất việc, cắt giảm giờ làm

Sáng ngày 20/6/2023, chị Trần Thị Mộng Trang nộp hồ sơ xin được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đây là lần thứ 2 chị đến nộp hồ sơ với hy vọng hoàn thiện các thủ tục để được hưởng trợ cấp. “2 tháng trước, tôi và hơn 10 LĐ được Cty Nam Khang thông báo chấm dứt hợp đồng LĐ. 2 vợ chồng từ tỉnh Sóc Trăng đến huyện Bến Lức làm việc, thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống, sinh hoạt gia đình và tích lũy được một phần. Khi tôi bị nghỉ việc, chỉ còn chồng làm việc, trong khi đó, giá thuê trọ, điện, nước cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng khiến chi phí sinh hoạt tăng theo. Tôi nghe nhiều người nói nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên tôi làm với mong muốn được trợ cấp để trang trải cho cuộc sống trong thời gian tìm kiếm công việc mới” - chị Trang cho biết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn

Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đối thoại với công nhân, lao động

Thông tin từ Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, hiện nay, Sở phối hợp Liên đoàn LĐ tỉnh chuẩn bị thực hiện chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với CNLĐ nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ cũng như thông tin các giải pháp hỗ trợ CNLĐ bị mất việc, cắt giảm giờ làm. Dự kiến, chương trình đối thoại sẽ được diễn ra trong tháng 7 tới.

Theo chị Trang, hiện nay, không riêng chị mà nhiều người khác cũng bị mất việc làm hoặc cắt giảm thời gian LĐ. Chị Trần Thị Nhung, đồng hương của chị Trang, cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cty thiếu đơn hàng sản xuất nên chúng tôi bị cắt giảm thời gian LĐ. Có khi 1 tuần chỉ làm 3-4 ngày, một số người thì nghỉ luân phiên, khiến thu nhập giảm sút chỉ còn chưa đến 1/2 so với trước đây. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt gia đình tăng do giá phòng trọ, điện tăng. Nếu tiếp tục bị cắt giảm thời gian làm việc, chắc tôi cũng xin nghỉ, về quê một thời gian” - chị Nhung khẳng định.

Theo thống kê của Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở và Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp nhận, thẩm định, lấy ý kiến các ngành liên quan và thống nhất phương án sử dụng LĐ cho 15 lượt DN bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm LĐ, tăng 11 DN so cùng kỳ năm 2022. Phần lớn các DN này không có đơn hàng mới, phải thu hẹp sản xuất, thay đổi cơ cấu, công nghệ. Đồng thời, qua rà soát tại các DN đang hoạt động, có 20.516 LĐ trong các DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng việc làm, chiếm 5,84% tổng số CNLĐ. Trong đó, có 2.314 người LĐ bị thôi việc, mất việc làm; trên 18.000 LĐ bị giảm giờ làm, ngừng việc.

Thông tin từ Liên đoàn LĐ tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, một số DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do bị thiếu, bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều LĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng LĐ. Ngoài ra, tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giá điện tăng đã tác động đến đời sống CNLĐ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.314 người lao động bị thôi việc, mất việc làm; trên 18.000 lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định nhưng sức mua của người tiêu dùng giảm. Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP.Tân An, hiện nay, sức mua của người tiêu dùng giảm. Chị Nguyễn Thị Hoa - tiểu thương chợ phường 2, cho biết: “Từ tháng 3/2023 đến nay, việc kinh doanh của gia đình giảm hơn trước, các mặt hàng lấy về hàng ngày như rau, củ, chúng tôi đều nhập vào ít hơn. Người tiêu dùng hiện chỉ mua vừa đủ, không còn hào phóng chi tiêu như trước”.

Chị Lê Thị Như Uyên (quê tỉnh Bến Tre, tạm trú tại phường 4, TP.Tân An) cho rằng, trước đây, Cty thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ, hiện nay thì không còn nữa, khiến nguồn thu nhập giảm mạnh. Vì vậy, với đồng lương CN hiện nay, những người thuê trọ như chúng tôi buộc phải thắt chặt việc chi tiêu để cân đối giữa tiền lương và chi phí sinh hoạt hàng ngày. “Chúng tôi chỉ mong Cty có thêm đơn hàng để CNLĐ có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống” - chị Uyên cho biết.

Cần tiếp tục thực hiện những giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động

Thông tin từ Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, trước thực tế nhiều CNLĐ gặp khó khăn do mất việc làm, cắt giảm giờ làm, thời gian qua, tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ LĐ việc làm. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở LĐ - Thương binh và Xã hội phối hợp Liên đoàn LĐ tỉnh hỗ trợ 1.500 CN có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1,5 tỉ đồng; hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người LĐ bị cắt giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng LĐ 2.813 trường hợp với số tiền trên 2,2 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ 1.160 CNLĐ mất việc làm và 1.173 CNLĐ bị giảm giờ làm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.968 CNLĐ tại 19 DN trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức được nhận hỗ trợ với số tiền trên 2,1 tỉ đồng từ chính sách hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người LĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng LĐ do DN bị cắt, giảm đơn hàng.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh, từ nay đến cuối năm, tình hình trong nước và thế giới còn những khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng người LĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm và nghỉ không hưởng lương do DN thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh làm ảnh hưởng đến đời sống người LĐ. Do đó, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đơn vị thường xuyên thống kê, cập nhật dữ liệu nhu cầu đào tạo LĐ và nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh lên website của Sở và trên ứng dụng số Long An ID nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN tra cứu thông tin tuyển dụng, học nghề, tìm kiếm việc làm của NLĐ. Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các địa phương có nhu cầu; phối hợp các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh lân cận tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối cung - cầu trực tuyến giữa DN trong tỉnh và LĐ tại các tỉnh, thành phố để hỗ trợ DN tuyển dụng LĐ. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh khá cao, khoảng 27.000 vị trí việc làm, trong đó, tập trung nhóm ngành chế biến - chế tạo khoảng 29,41% và LĐ phổ thông khoảng 60,66%. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh các chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của DN, nhất là các DN vừa, nhỏ để tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người LĐ, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cuộc sống cho người LĐ, tạo động lực phát triển KT-XH./.

Gần 19.000 người xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm, Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 18.779 hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có 15.579 hồ sơ được xét duyệt hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 368 người được hỗ trợ học nghề; tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 340 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận trên 112.000 hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trợ cấp thất nghiệp gần 2.170 tỉ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 74.000 lượt người.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/day-manh-cac-giai-phap-ho-tro-cong-nhan-lao-dong-a157703.html