Đẩy mạnh bán hàng Tết qua kênh thương mại điện tử

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp bán lẻ đã đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử bên cạnh kênh bán hàng truyền thống.

Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao. Theo Chinhphu.vn, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, ngành Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền.

Cụ thể, Tp. Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1.500 tấn bánh kẹo…

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với tiêu chí sản phẩm phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi.

“Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nên siêu thị tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu, mức giá bán ra luôn ổn định", bà Dung chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Go! BigC. Ảnh: Hoài Nam/Kinh tế & Đô thị.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Go! BigC. Ảnh: Hoài Nam/Kinh tế & Đô thị.

Tương tự, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như WinMart, MM Mega Market, Satra, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng đang tích cực ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đơn vị đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết xây dựng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để khan hàng khiến tăng giá bất thường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối chủ động kết nối, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản vùng miền phục vụ thị trường Hà Nội trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Theo Kinh tế & Đô thị, thực tế cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng chuyển đổi từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến. Chị Minh Anh (ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, trên các sàn thương mại điện tử bán nhiều mặt hàng chất lượng, giá cả được niêm yết rõ ràng. Mặt khác, kênh bán hàng online cũng có nhiều chương trình giảm giá và miễn phí vận chuyển hấp dẫn. Người mua không phải xếp hàng thanh toán trực tiếp mà sử dụng thanh toán online không dùng tiền mặt nên đỡ tốn thời gian.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngành Công Thương Thủ đô cũng huy động các sàn thương mại điện tử vào cuộc đưa hàng Tết tới người dân. Theo đó, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, Tp. Hà Nội huy động 34 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.

Hệ thống siêu thị WinMart, Go! BigC, MM Mega Market đã và đang triển khai dịch vụ đặt hàng qua APP, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày… Thời điểm này, các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo, Tiki… cũng bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

“Nhằm giúp người dân trải nghiệm mua sắm được trọn vẹn, các sàn thương mại điện tử đang khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt thông qua ví điện tử hay thẻ ngân hàng”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng cho biết.

Như vậy, các hoạt động cung ứng hàng hóa, tổ chức chương trình giảm giá qua đó kích cầu dịp cuối năm của các sàn thương mại điện tử, website đang phát huy lợi ích của kênh phân phối trực tuyến từ đó giảm tải cho kênh mua sắm truyền thống. Đồng thời, tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/day-manh-ban-hang-tet-qua-kenh-thuong-mai-dien-tu-a633815.html