Đẩy lùi cái nghèo ở vùng quê Phước Long từ sự chuyển mình của các HTX

Sự chuyển mình của các HTX ở huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) ngày càng rõ nét, nhất là đã phát huy được vai trò liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản, nắm bắt xu hướng thị trường, xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất theo quy trình sạch, tạo lợi thế cạnh tranh…Nhờ đó đã góp phần giúp cho người nông dân ở vùng quê này đẩy lùi cái nghèo, có cuộc sống ngày càng ấm no.

Ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) hiện có HTX Dịch vụ nông nghiệp và tưới tiêu Quyết Tiến với diện tích canh tác gần 136ha (trong đó có gần 100ha sản xuất lúa và 36ha trồng rau màu các loại) và 183 thành viên, HTX chủ yếu sản xuất lúa, bắp, mướp và dưa hấu.

Hiệu quả liên kết chuỗi ở Vĩnh Phú Đông

Hiện nay, HTX Quyết Tiến đã từng bước liên kết doanh nghiệp để cung cấp vật tư đầu vào với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng, tuyên truyền, vận động thành viên tham gia vào hợp đồng liên kết sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho thành viên áp dụng vào sản xuất…

HTX Dịch vụ nông nghiệp và tưới tiêu Quyết Tiến liên kết cùng doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn trên diện tích 112ha.

Nắm bắt xu hướng của thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, huyện Phước Long cũng đã phối hợp với HTX Quyết Tiến, Tập đoàn Quế Lâm và Công ty Agropest xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa an toàn trên diện tích 112ha.

Kết quả cho năng suất bình quân 8,39 tấn/ha, giảm được 50% lượng phân vô cơ và giảm chi phí trong sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm của HTX còn được Công ty Cổ phần Quốc tế Gia bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg, góp phần nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Anh Trần Minh Châu, một thành viên của HTX Quyết Tiến, chia sẻ: Nếu như trước đây có khá ít các công ty, HTX chịu liên kết, bao tiêu sản phẩm thì những năm gần đây, nhờ sự chủ động của huyện, sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của nông dân nên ngày càng có nhiều mô hình liên kết sản xuất được thành lập.

Theo anh Châu, thông qua việc liên kết, không chỉ giúp nông dân yên tâm trong việc tìm kiếm đầu vào, đầu ra mà còn áp dụng công thức mới, làm ra nhiều sản phẩm sạch, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, HTX Quyết Tiến còn có mô hình trồng bắp nếp an toàn sinh học. Quy trình trồng bắp nếp của HTX đang làm theo hướng an toàn, góp phần cùng địa phương xây dựng vùng chuyên canh bắp quy mô lớn và xây dựng thương hiệu bắp Vĩnh Phú Đông.

Mô hình này đã mang lại thu nhập cao cho nhiều thành viên. Mô hình trồng bắp nếp cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ nông dân cũng chuyển sang thực hiện mô hình này. Cây bắp sau khi thu hoạch trái, thân cây bán lại cho những hộ chăn nuôi để làm thức ăn cho trâu, bò. Từ đó, nhiều hộ trồng bắp ở huyện Phước Long có thu nhập ổn định quanh năm và vươn lên thu nhập khá.

Tạo niềm tin cho nông dân

Ông Nguyễn Văn Diệu (xã Vĩnh Phú Đông) cho biết hiện ruộng bắp nhà tôi đang cho thu hoạch, ước khoảng 5.000 - 6.000 trái/công, giá 2.000 - 2.500 đồng/trái, sau khi trừ chi phí tôi thu được 6 - 7 triệu đồng/công.

Mô hình trồng bắp nếp lan tỏa rộng ở huyện Phước Long giúp nâng cao đời sống nông dân.

Hiện nay mô hình trồng bắp với diện tích 175ha, tập trung ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây và Hưng Phú thuộc huyện Phước Long. Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất này có tính ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Chi phí sản xuất khoảng 5,5 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khoảng 65 ngày trồng sẽ cho thu hoạch, tổng thu 10 triệu đồng/1.000m2/vụ, lợi nhuận 4,5 triệu đồng (mỗi năm trồng được khoảng 3 - 4 vụ). So với các loại cây khác, bắp dễ trồng và trồng được quanh năm, tiêu thụ tại chỗ, đầu ra tương đối ổn định.

Thời gian gần đây, bắp trái ở HTX Quyết Tiến (xã Vĩnh Phú Đông) đã được tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, được huyện hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP ngay tại vùng trồng trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông).

Hiện nay, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân, huyện Phước Long đã đẩy mạnh liên kết sản xuất trong nông nghiệp giữa nông hộ với HTX và doanh nghiệp.

Đơn cử như HTX thương mại, dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản Phước Long ở ấp Phước Thọ Tiền, xã Phước Long tuy được thành lập cách đây hơn một năm nhưng đã tạo được niềm tin và thu hút nhân dân trong vùng tham gia làm thành viên HTX.

Ngành nghề chính của HTX là cung cấp lúa giống, dịch vụ vật tư nông nghiệp, gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc, tiêu thụ lúa, dịch vụ cung ứng giống thủy sản, vật tư nuôi trồng thủy sản, tiêu thụ tôm nguyên liệu. Khi mới thành lập HTX có 16 thành viên, vốn điều lệ 125 triệu đồng, đến nay HTX đã có 130 thành viên là những hộ trồng lúa, nuôi tôm trong vùng.

Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Phước Long về giống, phân thuốc, HTX thương mại, dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản Phước Long đã tổ chức sản xuất lúa ST 25 với diện tích 200ha. HTX đã tích cực tìm các đối tác hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc, hỗ trợ tập huấn, hội thảo cho thành viên về kỹ thuật trong quá trình canh tác và sản xuất.

Ngoài ra, HTX này còn chủ động ký hợp đồng thu mua lúa với giá ổn định giúp bà con thành viên không lo về đầu ra. Bên cạnh đó HTX ký hợp đồng với nhiều công ty mua lúa của HTX được sản xuất theo quy trình lúa sạch để đóng gói, làm gạo thương phẩm.

Phát huy vai trò “bà đỡ” của HTX

Sản phẩm gạo lúa tôm của HTX thương mại, dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản Phước Long được đánh giá và so sánh với gạo ST sản xuất ở những nơi khác độ thơm và độ dẻo ngon. Sau khi mua vụ thu hoạch lúa, HTX tiếp tục phối hợp cùng ngành nông nghiệp huyện mở nhiều lớp tập huấn về quy trình cải tạo ao đầm, lịch điều tiết nước, cảnh báo biến đổi khí hậu và môi trường chuẩn bị vụ nuôi tôm cho thành viên và bà con. Song song đó, HTX tìm và tiếp cận những công ty sản xuất giống tôm có chất lượng đảm bảo trong quá trình nuôi, kết quả vụ nuôi trong năm 2023 so với năm trước khả quan hơn.

Nông dân trồng lúa ở Phước Long có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo nhờ tham gia vào chuỗi liên kết cùng HTX.

Nhờ đó đã góp phần giúp cho đời sống của nông dân trồng lúa ở xã Phước Long ngày càng được cải thiện, đẩy lùi cái nghèo khó. Dần dần HTX tạo được lòng tin với bà con tham gia vào HTX ngày càng nhiều.

Hoặc như ở xã Vĩnh Thạnh (huyện Phước Long) có HTX 8/3 chuyên tổ chức thu mua rau cần nước của thành viên và người dân trong xã. Mỗi ngày, HTX cung ứng khoảng 30 tấn rau cho thương lái ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là Tp.HCM.

Ông Huỳnh Trung Thủ - Giám đốc HTX, cho biết cùng với kinh tế chính là cây lúa thì nghề trồng màu cũng đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương.

HTX 8/3 được đánh giá là đã thực hiện khá tốt việc hỗ trợ thành viên tập huấn kỹ thuật trồng, duy trì diện tích trồng rau cần nước an toàn. HTX còn tìm kiếm và hợp tác với các điểm tiêu thụ, các HTX bạn, các doanh nghiệp để cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra cho rau cần, rau má và các loại rau khác cho thành viên; xây dựng vùng trồng rau chất lượng phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hồi năm trước, HTX này đã được tỉnh Bạc Liêu đánh giá, phân hạng sản phẩm rau cần nước đạt chuẩn OCOP 3 sao. HTX còn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Rau Cần nước Phước Long. Đây là bước tiến giúp sản phẩm rau cần nước của xã có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường và có đủ điều kiện vào các hệ thống uy tín, yêu cầu khắt khe như Co.opmart, Bách hóa Xanh…

Từ đó, diện tích sản xuất tăng thêm, giá trị sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ rộng, sản lượng tiêu thụ lớn, được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. UBND huyện Phước Long cũng đã chọn HTX 8/3 là một trong 10 đơn vị có sản phẩm OCOP được nhận Chương trình hỗ trợ website thương mại điện tử của Bộ Công thương.

Thực tế cho thấy, với thời gian canh tác rau cần nước ngắn, HTX này có thể tận dụng được nền đất và gốc rau trong nhiều năm, giảm được một phần chi phí về giống. Nhờ đó giúp lợi nhuận của thành viên đạt mức khá cao, từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ mạnh, đầu ra dễ dàng, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương…

Từ hiệu quả kinh tế mang lại của HTX này, huyện Phước Long đã xây dựng vùng sản xuất rau và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho rau cần nước. Hiện nay huyện đang xem xét việc mở rộng diện tích trồng rau cần nước trong thời gian tới.

Từ sự chuyển mình của các HTX đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở huyện Phước Long. Qua tổng rà soát giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 2.471 hộ nghèo đa chiều, chiếm 8,05% tổng dân số toàn huyện. Nhưng đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện đã giảm còn 1.254 hộ, chiếm 4,11%. Tin rằng các HTX sẽ tiếp tục phát huy vai trò “bà đỡ” của mình để giúp cho huyện tiếp tục giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/day-lui-cai-ngheo-o-vung-que-phuoc-long-tu-su-chuyen-minh-cua-cac-htx-1097401.html