Đây là lý do khiến Ấn Độ đừng mong 'soán ngôi' Trung Quốc

Ấn Độ đang mong muốn trở thành công xưởng của thế giới thay thế Trung Quốc, nhưng ngoài sản xuất điện thoại thông minh, những chuyển biến gần đây tại quốc gia Nam Á vẫn chưa đủ để lạc quan về một câu chuyện như vậy.

Ngày càng có những thông báo tích cực về thành tích kinh tế của Ấn Độ. “Gã khổng lồ” Nam Á, ở vị trí cạnh tranh với Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu, có thể tự hào vì đã thu hút được những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực điện tử thế giới trong những năm gần đây.

Mong thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới, nhưng ngoài sản xuất điện thoại thông minh, những chuyển biến gần đây tại Ấn Độ vẫn chưa đủ để lạc quan. (Nguồn: Reuters)

"Thỏi nam châm" thu hút những tên tuổi lớn

Quốc gia đông dân nhất thế giới đang sản xuất iPhone 15, cũng như Google Pixel 8 và Samsung Galaxy S24. Thậm chí, tỷ phủ Elon Musk còn đang cân nhắc thành lập một nhà máy sản xuất xe điện ở Ấn Độ.

Apple là minh chứng cho sự đặt cược của New Delhi vào nhiều công ty đa quốc gia. Tập đoàn này bắt đầu lắp ráp các mẫu iPhone giá rẻ tại Ấn Độ vào năm 2017, sau đó phát triển năng lực sản xuất nhờ các nhà thầu phụ Đài Loan (Trung Quốc) như Pegatron và Wistron.

Từ năm 2022, Apple chuyển hướng và bắt đầu sản xuất các mẫu mới nhất, đầu tiên là iPhone 14 và tiếp theo là iPhone 15. Từ 12-14% số điện thoại iPhone bán ra trên toàn thế giới được sản xuất tại Ấn Độ. Và đến cuối năm 2024, dự tính sẽ có khoảng 1/4 tổng số điện thoại thông minh của Apple được sản xuất tại các nhà máy ở nước này.

Sự xuất hiện của những “gã khổng lồ” thế giới đương nhiên mang lại niềm vui cho người Ấn Độ. Những người thuộc tầng lớp trung lưu, quan chức chính phủ, ngôi sao điện ảnh và thậm chí cả những ông chủ lớn ở địa phương đều thể hiện niềm tự hào trước sức hút mới của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal, trường hợp của Apple sẽ gửi “tín hiệu mạnh mẽ” đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Xuất khẩu điện thoại thông minh của nước này đã tăng gấp đôi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, đạt khoảng 11 tỷ USD.

Từ lâu, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã không che giấu tham vọng đưa Ấn Độ trở thành công xưởng mới của thế giới. “Tôi muốn kêu gọi toàn thế giới hãy đến và sản xuất ở Ấn Độ”, ông tuyên bố trong bài diễn văn đầu tiên nhân dịp Ngày Độc lập năm 2014.

Ngay sau khi lên nắm quyền, nhà dân tộc chủ nghĩa theo đạo Hindu đã công bố một trong những sáng kiến quan trọng nhất, đó chính là chương trình “Make in India”, với mục đích thúc đẩy lĩnh vực chế tạo khi đó chỉ chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Điểm cốt lõi của chiến lược là tăng thuế hải quan để khuyến khích sản xuất nội địa. Thuế nhập khẩu năm 2022 tại Ấn Độ trung bình là 18%,cao hơn so với Việt Nam hay Thái Lan.

Năm 2020, New Delhi đưa ra “các ưu đãi gắn với sản xuất” như một hình thức trợ cấp xuất khẩu, trị giá lên tới gần 22 tỷ USD, cho 14 lĩnh vực chính như sản xuất điện thoại thông minh, sản phẩm y tế và linh kiện ô tô.

Giáo sư kinh tế Catherine Bros tại Đại học Tours (Pháp) cho biết: “Trong lịch sử, Ấn Độ không cởi mở lắm với thương mại quốc tế và chiến lược của chính phủ nước này - khá cơ bản - là hạn chế nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, với thuế hải quan cao và trợ cấp xuất khẩu”.

Chặng đường gập ghềnh

Tuy nhiên, cho dù đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ vẫn chưa thể thay thế được Trung Quốc, một đối thủ lớn trong thương mại toàn cầu hóa.

Chuyên gia Catherine Bros nhận định: “Ý tưởng cho rằng Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc xuất hiện thường xuyên, nhưng nếu nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nước này hoàn toàn không nằm cùng hạng với đối thủ…”.

Để tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi hơn, ngày 30/1, New Delhi đã tuyên bố về việc giảm thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện điện thoại thông minh, đáng chú ý trong số đó có nhiều sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Gã khổng lồ” Nam Á sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để có thể thực sự cạnh tranh với quốc gia Đông Bắc Á. Bất chấp các nỗ lực đáng kể của Ấn Độ trong 10 năm qua, cơ sở hạ tầng của nước này vẫn kém phát triển, trong khi cung cấp điện đang là vấn đề. Nói tóm lại, còn quá nhiều hạn chế tiếp tục cản trở các nhà đầu tư quốc tế.

Nếu các kỹ sư Ấn Độ nổi tiếng khắp thế giới thì nước này cũng đang thiếu lao động có trình độ. Khoảng 350 triệu người không biết đọc hoặc viết và chỉ một phần nhỏ dân số được đào tạo chuyên nghiệp.

Hơn nữa, các quốc gia khác như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan ở châu Á, hoặc Mexico ở Bắc Mỹ, đều đang cho thấy khả năng cạnh tranh với Ấn Độ trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà kinh tế học Vivien Massot và cũng là Giám đốc chi nhánh Ấn Độ của Tac Economics, một công ty phân tích rủi ro kinh tế, nhận định: “Trung Quốc đóng góp 30% giá trị gia tăng toàn cầu trong hàng hóa sản xuất, trong khi Ấn Độ chỉ đạt vỏn vẹn 3%. Phải đạt tốc độ tăng trưởng cực nhanh về sản xuất trong 20 năm liền thì Ấn Độ mới có thể bắt kịp”.

Nhưng dù sao tốc độ tăng trưởng 7,3% và dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ vẫn thu hút các công ty muốn tiếp cận thị trường đang phát triển này. Theo nhà kinh tế học Vivien Massot, “điều này được thực hiện đối với các lĩnh vực cụ thể, công nghệ cụ thể và sản phẩm cụ thể”. Và hầu hết trong số các công ty Pháp được thành lập ở Ấn Độ đều có mục đích tiếp cận thị trường nội địa thay vì xây dựng các nhà máy sản xuất dành cho xuất khẩu.

Các chính sách kinh tế tại nước này phần lớn vẫn mang tính can thiệp và có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng. Ví dụ tháng 8/2023, New Delhi bất ngờ tuyên bố hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay để thúc đẩy sản xuất trong nước, dẫn đến sự “hoảng loạn” trong lĩnh vực này, buộc chính phủ phải rút lại quyết định.

Chính phủ cũng được chú ý nhờ mối liên hệ với thế giới kinh doanh, đặc biệt là với hai tỷ phú Mukesh Ambani và Gautam Adani. Các tập đoàn của hai tỷ phú này đã có sự phát triển vượt bậc kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền.

Mặc dù vậy, “vấn đề cơ bản là chính phủ Ấn Độ không có chính sách công nghiệp mạch lạc. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ tiếp cận vấn đề theo từng phần nhỏ. Chính phủ Ấn Độ vượt sông theo cách dò dẫm”, ông Anand Parappadi Krishnan, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu Himalaya thuộc Đại học Shiv-Nadar (New Delhi), nhận định.

(theo Le Monde)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/day-la-ly-do-khien-an-do-dung-mong-soan-ngoi-trung-quoc-262578.html