Đầu tư PPP theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 vẫn 'chưa thông'

TP.HCM mời gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP theo cơ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, song quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thông tin ghi nhận tại Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư, với chủ đề Đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh mới của TP.HCM diễn ra ngày 24/4.

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 là một trong 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 cho biết, Thành phố đã mời gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP bao gồm: 41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế; 5 dự án BOT giao thông, và 8 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao của TP. Thủ Đức.

Theo ông Lịch, khi thực hiện theo Nghị quyết 98 kỳ vọng mọi thứ sẽ thuận lợi, tuy vậy trong quá trình triển khai các dự án PPP lại gặp vướng mắc do thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như các vấn đề liên quan đến tính phù hợp với Luật PPP.

Nêu lên những bất cập trong việc đầu tư các dự án PPP hiện nay, Luật sư Ngô Thành Tùng, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chỉ ra vướng mắc hiện nay là thiếu khung pháp lý, quy định rõ ràng.

Đặc biệt là vấn đề xác định vai trò, trách nhiệm và quyền của các bên giữa nhà nước và tư nhân, cũng như các thủ tục, tiêu chí và cơ chế lựa chọn, thẩm định, phê duyệt, mua sắm, quản lý hợp đồng, giám sát và đánh giá dự án

Vị luật sư này cho rằng, để vượt qua những thách thức thì Chính phủ cần tham vấn các bên liên quan, cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính và phi tài chính, lồng ghép và điều chỉnh các dự án PPP trong các lĩnh vực xã hội với các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia và địa phương, bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Luật sư Ngô Thành Tùng, trọng tài viên VIAC nêu những bất cập hiện nay khi đầu tư theo hình thức PPP.

Thông tin về số lượng các dự án PPP, bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ khi Luật PPP ra đời và có hiệu lực vào năm 2021, có tổng cộng 36 dự án được triển khai theo hình thức PPP, trong đó, đa phần các dự án được thực hiện dưới dạng hợp đồng BOT (28/36 dự án), còn lại các dự án được thực hiện dưới dạng BLT, BOO và 1 dự án triển khai dưới dạng hợp đồng O&M.

Việc đầu tư chủ yếu theo hình thức BOT cho thấy, "khẩu vị" ưa thích của nhà đầu tư khi lựa chọn loại hợp đồng.

Theo bà Giang, để khắc phục những bất cập hiện nay, cần có hợp đồng mẫu để hài hòa mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư.

"Vấn đề đặt ra là phải xây dựng hợp đồng mẫu như thế nào để phù hợp với từng lĩnh vực, tương ứng với nhu cầu của từng ngành, chỉ có như vậy, hợp đồng mẫu mới phát huy tác dụng triệt để, tạo căn cứ để phòng ngừa những rủi ro", bà Giang đặt vấn đề.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-ppp-theo-co-che-dac-thu-cua-nghi-quyet-98-van-chua-thong-d213719.html