ĐẦU TƯ KỸ NĂNG VÀ GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO, HƯỚNG TỚI AN NINH KINH TẾ VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chặng đường phát triển kế tiếp cho Việt Nam là con đường khát vọng hướng tới mức sống ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Để đạt được những khát vọng này, cần phải có an ninh kinh tế cao hơn, khả năng dịch chuyển kinh tế đi lên và tăng trưởng bền vững của tầng lớp trung lưu.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chặng đường phát triển kế tiếp cho Việt Nam là con đường khát vọng hướng tới mức sống ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Để đạt được những khát vọng này, cần phải có an ninh kinh tế cao hơn, khả năng dịch chuyển kinh tế đi lên và tăng trưởng bền vững của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, sự tiến bộ mức sống của các tầng lớp dân cư đang gặp nhiều thách thức sau tác động của đại dịch COVID-19.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội

Tín hiệu phục hồi tốt trong năm 2022 khi tăng trưởng thu nhập trung bình hàng tháng của khối lao động làm công ăn lương năm 2022 tăng mạnh hơn cả giai đoạn trước đại dịch COVID vào năm 2019. Mức lương trung bình giảm gay gắt nhất vào Quý 3 và Quý 4 năm 2021, sau đó phục hồi mạnh mẽ khi biên giới quốc tế mở cửa trở lại vào Quý 1 năm 2022. So sánh thu nhập trong thời gian dài hơn từ Quý 1 năm 2020 đến Quý 1 năm 2023, thu nhập ở khu vực nông thôn có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với thu nhập ở thành thị.

Tuy nhiên, một số chỉ số phát triển chưa phục hồi về mức trước đại dịch COVID vào năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình được đo qua Khảo sát mức sống dân cư cho thấy mức thu nhập năm 2022 ở khu vực thành thị vẫn thấp hơn năm 2019 (Tổng cục Thống kê, 2023). Chi tiêu bình quân đầu người ở khu vực thành thị năm 2022 vẫn thấp hơn năm 2020 (Tổng cục Thống kê, 2023).

Do tình trạng nghèo đói đã giảm đáng kể, đi vào nghèo cốt lõi và tình trạng rủi ro đã thay đổi, tình trạng nghèo đói ở khu vực nông thôn và thành thị cũng thay đổi với tốc độ khác nhau. Các khu vực đô thị đang trở thành nguồn tăng trưởng kinh tế và dân số chủ yếu, đồng thời ngay kể cả một số khu vực phát triển đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, đặc biệt liên quan đến biến đổi khí hậu. Các khu đô thị, thành phố đang trở thành điểm đến di cư quan trọng và là nguồn tăng trưởng dân số nhanh chóng ở Việt Nam.

Từ năm 2009 tới 2014, tổng dân số của Việt Nam đã tăng thêm 6,6 triệu người. Trong giai đoạn này, khoảng 23% thay đổi dân số ròng tập trung chỉ trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Bình Dương. Trong nửa sau của thập kỷ, từ năm 2014 tới 2019, dân số tăng thêm 6,2 triệu người và mức tăng dân số ở khu vực thành thị thậm chí còn cao hơn. Sáu khu vực này trở thành địa điểm của gần một nửa mức tăng dân số của Việt Nam. Đáng chú ý, 20% dân số tăng thêm vào năm 2019 chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cũng tạo nên sức ép cho giảm nghèo và nâng cao phúc lợi ở những khu vực địa lý khác nhau, nên các chính sách xã hội cũng cần đặt trọng tâm theo khu vực địa lý, đặc biệt vùng đô thị.

Tiếp tục con đường phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đòi hỏi phải nâng cao năng suất của từng người lao động, mới có thể trở thành quốc gia thu nhập cao. Trong điều kiện tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn 2012-2018 và trong điều kiện dân số tiếp tục già hóa theo dự báo, số lượng lao động sẽ giảm và năng suất của những người đang làm việc sẽ cần được tăng lên mới có thể duy trì tăng trưởng. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế từ năm 1991 đến năm 2018 là 5,6% /năm. Tốc độ đó cần được nâng lên mức 6,7% từ nay đến năm 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao.

Để đạt được mức đó, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần tăng từ 5,3% mỗi năm trong giai đoạn 2012–2018 - mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua - lên 6,6% mỗi năm, nghĩa là có mức gia tăng khoảng 20% mỗi năm. Với tốc độ tăng được duy trì như từ năm 2012 đến năm 2018, Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, nhưng sẽ vẫn còn thiếu khoảng 4.000 đô-la Mỹ so với mức thu nhập cao.

Giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Giới trẻ Việt Nam ngày nay có trình độ học vấn tốt hơn so với các thế hệ trước, nhưng một số chỉ số cho thấy hiện có những thách thức để họ chuyển đổi sang những việc làm có kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục những cải cách về giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động.

Mặc dù có tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học cao hơn, nhưng nhóm dân số trẻ vẫn chủ yếu làm trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng trung bình. Tỷ lệ này ở mức cao hơn so với nhóm dân số trẻ ở các quốc gia khác trong khu vực. Các nhà sử dụng lao động ở Việt Nam cũng cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82587