Đầu tư dự án nhiệt điện Công Thanh bằng khí LNG góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thanh Hóa

Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, có ý kiến về đề xuất của tỉnh Thanh Hóa chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 5177 giao nhiệm vụ Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất theo thẩm quyền và quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản trả lời Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ (US-ABC) với đề nghị chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí hóa lỏng (LNG) đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh tại KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Văn phòng Chính phủ cũng đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, có ý kiến về đề xuất của tỉnh Thanh Hóa đề nghị chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với Dự án Nhiệt điện Công Thanh.

Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh (thứ 3 từ phải sang) Nguyễn Công Lý tại lễ ký kết hợp tác đầu tư dự án LNG Công Thanh - Thanh Hóa.

Theo văn bản báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện khí LNG tại tỉnh Thanh Hóa của UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc GPMB, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, Công ty CP nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.

Vì vậy, dự án có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG.

UBND tỉnh Thanh Hóa đồng thời cho biết, về mặt pháp lý, quy định tại trang 8, Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 có nội dung: “Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo”.

Phối cảnh dự án.

Trên cơ sở đó, để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất lựa chọn các dự án tại các vị trí tiềm năng thay thế cho các dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai trong kỳ quy hoạch, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia; UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Công thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW.

Tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu, đảm bảo sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”.

Dự án nhiệt điện Công Thanh có tổng mức đầu tư 2 tỷ USD sau khi chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW, trên địa bàn KKT Nghi Sơn tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (vị trí hiện trạng của dự án Nhiệt điện Công Thanh). Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm 9 tỷ kWh.Tổng diện tích sử dụng đất 197,3ha gồm khu vực Nhà máy chính 64ha (không tăng diện tích so với dự án Nhiệt điện Công Thanh), tuyến ống cấp thải nước làm mát và tuyến ống khí 15ha, khu vực kho cảng LNG 18,3ha, diện tích mặt nước cảng LNG 100ha. Nhiên liệu chính là LNG nhập khẩu, tiêu thụ khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm. Công nghệ Tuabin khí chu trình hỗn hợp. Sử dụng nước biển làm mát. Phương án đấu nối dự kiến: Đấu nối về TBA 500kV Hưng Yên (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Hưng Yên phù hợp với tiến độ dự án) hoặc đấu nối về TBA 500 kV Nam Hà Nội (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Nam Hà Nội phù hợp với tiến độ dự án) hoặc đấu nối về TBA 500kV Long Biên. - Tổng mức đầu tư: Tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2,0 tỷ USD.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dau-tu-du-an-nhiet-dien-cong-thanh-bang-khi-lng-gop-phan-thuc-day-phat-trien-kinh-te-thanh-hoa-133862.html