Đầu tư bài bản để nâng cao thành tích thể thao Việt Nam

Á vận hội lần thứ 19 (ASIAD 19) đã chính thức bế mạc tối 8.10 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao ĐẶNG HÀ VIỆT, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam ại ASIAD 19, tuy có tiếc nuối nhưng các vận động viên Việt Nam đã nỗ lực hết mình, hoàn thành mục tiêu đặt ra trước lúc lên đường.

Nỗ lực vì màu cờ sắc áo

- Nhìn lại quá trình thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, điều gì khiến ông hài lòng nhất?

- Trước khi lên đường, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao nhiệm vụ mỗi thành viên Đoàn thể thao Việt Nam là một đại sứ văn hóa. Trong suốt quá trình tham gia Đại hội, Đoàn thể thao Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò này, trong cách sống, sinh hoạt, giao lưu và làm việc chuyên nghiệp.

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ bế mạc ASIAD 19. Ảnh: Quý Lượng

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ bế mạc ASIAD 19. Ảnh: Quý Lượng

Về chuyên môn, kết thúc ASIAD 19, Đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, hoàn thành chỉ tiêu từ 2 - 5 HCV. Điều chúng tôi hài lòng là các vận động viên đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như đội tuyển bắn súng, cầu mây, mỗi đội đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển karatedo đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được huy chương vàng như thể dục dụng cụ, bắn cung, bóng chuyền... nhưng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các vận động viên trẻ.

Ngoài sự xuất sắc của các môn trên còn có một số thành tích khác, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đáng để khích lệ. Như thành tích 7 phút 51 giây 44 của Nguyễn Huy Hoàng, nội dung bơi 800m tự do, đã tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ ở ASIAD 18. Hay như ở nội dung 4x400m tiếp sức của môn Điền kinh, dù chỉ về đích ở vị trí thứ 4 nhưng thành tích 3 phút 31 giây 61 đã vượt qua mức 3 phút 32,36 ở Giải vô địch châu Á 2023. Đặc biệt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, đạt vị trí tốt nhất tại các kỳ ASIAD. Dù thua Thái Lan 0 - 3 ở trận tranh HCĐ, nhưng đội đã có những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ trước Hàn Quốc, Triều Tiên.

- Nhưng ASIAD 19 cũng để lại nhiều tiếc nuối, trong đó có những vận động viên bị tuột HCV trong gang tấc?

- Đúng vậy! Điển hình là trường hợp của tay đua Nguyễn Thị Thật, ngay trước thềm Đại hội, Thật bị chấn thương và mới chỉ tập luyện trở lại được 1 tháng nhưng đã thi đấu đầy quyết tâm. Tình thế đoàn đua lúc về đích chia thành 2 tốp, Thật bị kẹt trong tốp sau nên đã quyết định mạo hiểm rút sớm từ khoảng cách 300m (thông thường sẽ dưới 200m) để cạnh tranh HCV và chỉ thua vận động viên giành HCV đúng 1 thân xe.

Hay môn bắn súng, dù Phạm Quang Huy xuất sắc đoạt HCV nhưng chúng tôi cũng rất tiếc khi Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh, trước Đại hội, tập luyện và thi đấu rất ổn định nhưng vào thi đấu chung kết, vận động viên bị loại dần sau 12 loạt bắn, đòi hỏi tâm lý vận động viên phải thật sự ổn định và vững vàng mới có thể thành công.

Cự ly bơi 1500m của kình ngư Huy Hoàng cũng kỳ vọng đạt huy chương và chuẩn A Olympics, nhưng vì quá quyết tâm đổi màu huy chương nên đã không giữ được nhịp độ bơi và tối ưu hóa hiệu quả khi quay vòng nên thành tích không đạt như mong đợi.

Bảng tổng sắp huy chương ASIAD 19

Bảng tổng sắp huy chương ASIAD 19

Thể thao thành tích cao - cạnh tranh của các nền kinh tế lớn

- Thể thao Việt Nam dẫn đầu SEA Games 32 mới đây, nhưng tại ASIAD lần này, chúng ta chỉ xếp thứ 6 ở Đông Nam Á, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- ASIAD và Olympics là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất này chúng ta xác định còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu về khoa học thể dục thể thao trên thế giới đã chỉ ra rằng, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Tại đấu trường Olympics, sự cạnh tranh đó diễn ra giữa các nền thể thao của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Ở ASIAD cũng là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 3 cường quốc dẫn đầu ASIAD 19.

Các nền kinh tế lớn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao. Đó là sự đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, việc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư cho thể thao thành tích cao... Còn với chúng ta, dù Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm nhưng để thành tích của thể thao được như mong muốn, chúng ta cần thêm nhiều yếu tố từ đầu tư tới tuyển chọn, đào tạo, hệ thống giải đấu. Quy trình đào tạo cho một tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm, trong quá trình đó vẫn diễn ra việc “đãi cát, tìm vàng”, có khi hàng nghìn vận động viên tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới có được một tài năng cấp châu lục và thế giới.

Phân tích các môn thể thao đạt HCV của các nước Đông Nam Á chúng ta thấy rất rõ, hầu hết đến từ các môn thể thao xã hội hóa và các môn thể thao truyền thống có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học: Thái Lan 12 HCV (2 Golf, 1 E Sport, 3 môn thuyền buồm, 4 cầu mây); Malaysia 6 HCV (1 cưỡi ngựa, 1 thuyền buồm, 3 Squash), Singapore 3 HCV (2 HCV thuyền buồm)...

Các vận động viên đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, thể hiện tốt vai trò là đại sứ văn hóa của Việt Nam. Ảnh: Quý Lượng

Các vận động viên đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, thể hiện tốt vai trò là đại sứ văn hóa của Việt Nam. Ảnh: Quý Lượng

Đãi cát, tìm vàng” cho thể thao Việt Nam

- Tại các cuộc thi đấu ở Đại hội lần này cũng cho thấy vận động viên Việt Nam gặp bất lợi vì thấp hơn về thể hình, yếu hơn về thể lực. Vậy chúng ta sẽ làm gì để khắc phục điểm yếu này cũng như chiến lược để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục và thế giới, thưa ông?

- Hiện chúng ta đã có đề án tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đề án này được thực hiện không chỉ góp phần vào mục tiêu dân cường thì nước thịnh, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn giúp cho thể thao thành tích cao của Việt Nam có được thành tích tốt hơn. Tuy nhiên việc triển khai đề án hiện chưa được như mong muốn. Chúng ta chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng từ y tế, giáo dục tới thể thao… Vì thế, công tác tuyển chọn vận động viên, tuyển chọn nhân tài cho thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn.

Ví dụ nhìn thấy ngay tại Á vận hội lần này là bóng đá nữ, Philippines sẽ là thế lực của bóng đá nữ khu vực Đông Nam Á, nhất là với xu hướng nhập tịch hiện nay, các nữ cầu thủ Philippines có lợi thế về chiều cao và thể lực để hướng tới mục tiêu cao hơn là Olympics. Môn rowing, vận động viên của chúng ta đều thấp bé trong khi vận động viên nữ thấp nhất của Trung Quốc cũng cao tới 1,8m. Đối với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, để tuyển chọn được vận động viên nữ thi đấu ở môn đua thuyền nặng nói riêng và các môn khác nói chung mà cao 1,8m có tố chất phù hợp là rất khó khăn.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chắn chắn Cục Thể dục thể thao sẽ phải nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, phát triển thể thao thành tích cao không phải trong ngày một ngày hai đã có ngay các nhà vô địch Olympics và châu Á. Đó sẽ là một quá trình toàn diện, bài bản, khoa học, từ phát triển giáo dục thể chất, tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, xác định môn trọng điểm...; có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành phố và thi đấu ngay từ cấp tiểu học, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho thể thao Việt Nam.

Hoạt động tuyển chọn tài năng cho thể thao Việt Nam giống như “đãi cát, tìm vàng”, nếu chung ta “đãi cát” ở 63 tỉnh, thành phố và ở cả hệ thống trường học thì sẽ tìm được nhiều tài năng. Còn hiện nay, tuy nói là đầu tư trọng điểm nhưng mới chỉ là trọng điểm trong tập huấn, thi đấu cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Quân lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/dau-tu-bai-ban-de-nang-cao-thanh-tich-the-thao-viet-nam-i345781/