Đầu tư 11,695 tỷ đồng chỉnh trang công viên tháp nước

Tháp nước Phan Thiết đứng soi bóng bên dòng sông Cà Ty thơ mộng được người Pháp khởi công xây dựng năm 1928 và hoàn thành 1934 theo chủ trương quy hoạch đô thị của nhà cầm quyền đương thời, phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho công sở và người dân nội thị Phan Thiết. Xung quanh tháp nước được quy hoạch công viên cây xanh. Trải qua 93 năm tồn tại, dù trước bom đạn chiến tranh và môi trường khắc nghiệt, nhất là qua các trận lũ lụt lịch sử năm Nhâm Thìn (1952) và Quý Dậu (1993) tháp nước vẫn đứng vững, uy nghi giữa lòng thành phố và trở thành biểu tượng thiêng liêng của tỉnh Bình Thuận. Những năm trước đây công trình tháp nước và xung quanh tháp đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng đến nay tình trạng hư hỏng, xuống cấp công viên tháp nước ngày càng lớn. Một số hạng mục của công viên đã xuống cấp, như: Nền gạch sân, vỉa hè bị hư hỏng; bồn cây bị bong tróc lớp vữa; hàng rào hư hỏng nặng; một số cây cạnh hàng rào đã chết; nhà vệ sinh hư hỏng, bốc mùi hôi; hệ thống cấp thoát nước bị hư hỏng nặng, không đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhiều vị trí bị sập, gây ngập úng cục bộ, không đảm bảo thoát nước vào mùa mưa gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường; hệ thống điện xuống cấp, lỗi thời không đảm bảo an toàn và nhu cầu sử dụng… Để khắc phục tình trạng nói trên, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án chỉnh trang cụm công viên tháp nước, thành phố Phan Thiết với quy mô gồm: Lát vỉa hè, lối đi bộ và khu vực hoạt động tập thể; hệ thống cấp thoát nước toàn khu; hệ thống chiếu sáng; cây xanh, hàng rào; nhà vệ sinh công cộng lưu động và các hạng mục phụ trợ có liên quan khác. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.695 triệu đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Dự kiến công trình sẽ triển khai đấu thầu và thi công vào quý III/2021.

Đầu tư 11

Cách đây 93 năm, Tháp nước Phan Thiết được thiết kế xuất phát từ ý tưởng và sáng tạo của du học sinh Lào Souphanouvong học Trường Albert Sarraut Hà Nội và xây dựng theo hình trụ bát giác đều. Tổng thể chia làm 3 phần, gồm: Thân tháp, bầu đài và phần mái. Chiều cao từ đế lên đỉnh tháp là 32 m. Thân tháp cũng có hình trụ bát giác, mỗi cạnh rộng 3,9 m, càng lên cao càng thu nhỏ. Đường kính chân tháp 9 m; chu vi chân tháp 31,2 m; diện tích sàn 73,4 m2. Bồn nước trên cùng cao 5 m, hình bát giác, đường kính 9 m, có sức chứa 350 m3 nước. Từ lâu, hình ảnh tháp nước Phan Thiết được nhiều doanh nghiệp, địa phương cách điệu thành biểu tượng của đơn vị. Năm 2005, Bình Thuận đã chọn tác phẩm "Tháp nước Phan Thiết" làm logo - biểu tượng của tỉnh. Từ đó đến nay, bất kỳ một sản phẩm nào của Bình Thuận cũng mang logo Tháp nước Phan Thiết. Tháp nước Phan Thiết không chỉ là công trình mang đậm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào, mà nó còn là di tích lịch sử cấp tỉnh; trở thành biểu tượng văn hóa ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người dân xứ biển Phan Thiết. Những người con xa quê hương, khi nhìn thấy biểu tượng tháp nước luôn nhớ về Phan Thiết quê mình da diết.

Việc đầu tư chỉnh trang cụm công viên tháp nước Phan Thiết nhằm gìn giữ, bảo tồn, tạo mỹ quan cho công trình văn hóa, lịch sử, biểu tượng của Bình Thuận.

L. KHANG

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/dau-tu-11-695-ty-dong-chinh-trang-cong-vien-thap-nuoc-138684.html