Dầu mỏ Mỹ đang đi ngược xu thế?

Ý chí và nỗ lực chung của toàn cầu hiện nay là dốc sức cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu, trong đó, việc khử carbon cho nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, ngành dầu mỏ của Mỹ phát triển vô cùng ấn tượng dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, tạo ra nhiều tranh cãi về tính thực chất của các nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế hướng tới một tương lai không carbon.

Nhà máy lọc dầu Los Angeles ở bang California, Mỹ. Ảnh: AFP

Tăng trưởng nhưng có thể tạo ra bất lợi

Bình luận từ giới chuyên gia chính trị quốc tế, kể từ khi nắm quyền Tổng thống, ông Biden đã thể hiện nhiều nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế Mỹ hướng tới một tương lai không carbon để chống biến đổi khí hậu. Song hầu hết số liệu của ngành dầu khí Mỹ đều cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ của ông Biden.

Không chỉ có những nguồn tiền khổng lồ gia tăng mạnh mẽ, dưới thời ông Biden, ngành nghề liên quan tới nhiên liệu hóa thạch của Mỹ cũng tăng trưởng việc làm ấn tượng, vượt xa tốc độ tăng trưởng trong ngành năng lượng tái tạo mà ông Biden đang thúc đẩy để chống biến đổi khí hậu.

Số liệu khảo sát của Công ty BW Research có trụ sở tại Mỹ, số việc làm trong lĩnh vực dầu, khí đốt và than đá tăng 11,3% trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden, vượt xa mức tăng 8,8% việc làm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn về tổng số việc làm, với nhiên liệu hóa thạch tăng gần 80.000 so với chỉ hơn 38.000 của năng lượng mặt trời và gió. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch giảm, chủ yếu là do kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục dưới thời ông Biden, tiếp tục vượt xa các đối thủ Saudi Arabia và Nga. Mỹ cũng sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn bao giờ hết, đạt khối lượng kỷ lục. Kết quả là, các cảng của Mỹ đang gửi khối lượng kỷ lục cả hai loại hàng hóa này ra nước ngoài, bao gồm cả các đồng minh ở châu Âu, những nước đang dần loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Ở góc độ khách quan, nhiệm kỳ của ông Biden diễn ra trong giai đoạn xảy ra bất ổn an ninh châu Âu khiến giá dầu và khí đốt tăng cao, giúp các nhà sản xuất trên toàn thế giới kiếm được lợi nhuận kỷ lục, không chỉ riêng Mỹ. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau những ngày đen tối nhất lịch sử vì đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, thực tế chung cho thấy ông Biden gặp nhiều bất lợi. Sự tăng trưởng ấn tượng của nhiên liệu hóa thạch khiến những người ủng hộ ông Biden ở vào tình trạng khó xử, những người ủng hộ Biden hiếm khi ca ngợi “thành tích” tăng trưởng dầu khí, mà tập trung vào nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế xanh thông qua các gói trợ cấp sinh lợi cho các dự án về năng lượng mặt trời, điện gió, xe điện, các công nghệ năng lượng sạch khác... Dễ thấy, sự tăng trưởng này cũng gây ra điều tiếng rất lớn đối với ông Biden trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Đây cũng có thể là một yếu tố tạo ra sự thất thế của ông Biden khi phản ánh rằng, những gì xảy ra ở các thị trường kết nối toàn cầu như dầu khí thường nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Nhà Trắng.

Ngành dầu mỏ khó bền

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump của Đảng Cộng hòa là đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Ông Trump thường xuyên sử dụng chính sách năng lượng của ông Biden như một trong những con “át chủ bài” trong các cuộc vận động tranh cử của mình. Ông Trump hứa hẹn rằng, nếu được quay trở lại Nhà Trắng, ông sẽ có những chính sách giúp khôi phục vị thế và sự độc lập về năng lượng của nước Mỹ.

Đáp lại những điều tiếng, trong một tuyên bố trước truyền thông quốc tế, Nhà Trắng khẳng định, sản lượng dầu và khí đốt tăng cao của Mỹ chỉ đang hỗ trợ nền kinh tế chứ không gây tổn hại cho nỗ lực của Mỹ về khử carbon. Sự tăng trưởng này đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định trong thời gian chờ đợi chuyển đổi xanh. Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh, Tổng thống Biden đã dẫn đầu chương trình nghị sự về khí hậu đầy tham vọng nhất trong lịch sử, khôi phục vị thế lãnh đạo về khí hậu của Mỹ trong và ngoài nước. “Khi chúng tôi thực hiện các khoản đầu tư mang tính lịch sử cần thiết để chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch, sản lượng dầu và khí đốt tăng kỷ lục trong nước đang giúp đáp ứng nhu cầu trước mắt của chúng tôi” - tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

Khi nhậm chức, ông Biden từng cam kết đẩy nhanh sự kết thúc của ngành dầu khí bằng cách chuyển sang nền kinh tế xanh. Một số những hành động lớn nhất của ông Biden thời gian qua gồm: Khai tử dự án đường ống Keystone XL (vận chuyển dầu thô từ Canada đến Mỹ); tạm dừng giấy phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới; tiết giảm cho thuê dầu liên bang; sử dụng hệ thống quản lý và tín dụng thuế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và năng lượng tái tạo.

Những người chỉ trích ông Biden đã tìm cách gắn những hành động này với việc giá xăng tăng cao, tăng vọt trong bối cảnh hỗn loạn an ninh châu Âu và căng thẳng do nhu cầu tăng vọt sau đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, giá trung bình trong 3 năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Biden là 3,6 USD/gallon dầu, trong khi trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ cựu Tổng thống Trump, giá bình quân là 2,57 USD/gallon dầu.

Theo giới quan sát, dù là ông Biden tiếp tục tại vị thì trong những năm tới cũng sẽ có những bất lợi đối với ngành dầu mỏ. Thực tế trong thời gian qua, các đạo luật được thúc đẩy dưới thời ông Biden cung cấp hàng tỷ USD tín dụng thuế để giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh. Ông Dustin Meyer - Phó Chủ tịch Viện Dầu mỏ Mỹ (API) bày tỏ lo ngại rằng, những chính sách của ông Biden có thể gây thiệt hại cho ngành dầu khí trong những năm tới. Ông Meyer cũng nhìn nhận, dù là chính quyền nào, nhiều khả năng ngành này sẽ chịu những tác động khó khăn trong thời gian tới.

Theo số liệu tổng hợp của hãng thông tấn Reuters (Anh), 5 doanh nghiệp dầu mỏ hàng đầu là BP, Shell, Exxon, Chevron và TotalEnergies có lợi nhuận công khai lên tới 410 tỷ USD trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của chính quyền Biden (từ tháng 1/2021), tăng 100% so với 3 năm đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (từ tháng 1/2017).

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-mo-my-dang-di-nguoc-xu-the-post474361.html