Dầu mỏ, khí đốt Canada có đủ sức thay thế Nga giúp châu Âu 'hạ nhiệt' khủng hoảng năng lượng?

Dù được kỳ vọng sẽ là nguồn cung thay thế quan trọng cho dầu mỏ và khí đốt của Nga nhưng các chuyên gia cho rằng, Canada sẽ khó có thể giúp châu Âu 'hạ nhiệt' cuộc khủng hoảng năng lượng đang 'căng như dây đàn'.

Canada đang là niềm hy vọng lớn cho cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Canada đang là niềm hy vọng lớn cho cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Là một kỹ sư, ông Gwyn Morgan (năm nay 76 tuổi) từng bắt đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí tại địa phương vào những năm 70. Sau gần 20 năm, ông thành lập Công ty EnCana (sau được đổi tên là Ovinti) - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất Canada và từng là công ty có giá trị nhất quốc gia này vào năm 2005.

Thời điểm đó, tạp chí Maclean từng ca ngợi Morgan là “người đàn ông quyền lực nhất trong ngành dầu khí Canada”. “Đó là thời điểm vàng của ngành dầu khí”, ông nhớ lại.

Ông Morgan cũng là một trong những nhân vật lớn tiếng nhất trong việc chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau vì đã không có những nỗ lực cần thiết để xây dựng các đường ống mới nhằm đưa dầu và khí đốt của Canada đến các thị trường mới.

Ông gọi các chính sách đối với ngành công nghiệp dầu khí – ngành kinh tế quan trọng của Canada là một “thất bại”.

Cơ hội cho dầu mỏ Canada

Châu Âu đang chuẩn bị bước vào một mùa Đông khắc nghiệt nhất khi Nga - nhà cung cấp khí đốt chính của Liên minh châu Âu (EU), liên tục có động thái siết chặt nguồn cung.

Trong khi Moscow giải thích, việc bảo trì đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ, thì phương Tây lại cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đang tạo ra một "cuộc chiến năng lượng" nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây và làm suy yếu sự ủng hộ từ bên ngoài đối với Ukraine.

Nếu đúng là Nga đang sử dụng nguồn tài nguyên khổng lồ của mình như một vũ khí trong cuộc xung đột với Ukraine, thì những người từng đứng đầu ngành dầu khí như ông Morgan sẽ thấy vô cùng hối tiếc cho Canada.

Theo chuyên gia phân tích hàng hóa Rory Johnston, Canada hiện không có đủ khả năng để bù đắp cho lô hàng dầu và khí đốt bị giảm từ Nga.

“Trong khi các nước đồng minh như Đức coi năng lượng của Canada như một sự thay thế đáng tin cậy cho nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, thì dự án khai thác nguồn tài nguyên ở nước ngoài vẫn chưa được phê duyệt và nguồn cung sẽ không sẵn sàng để sưởi ấm các ngôi nhà ở châu Âu vào mùa Đông này”, ông Johnston nhận định.

Những hạn chế này đã đi ngược lại những đảm bảo chính trị rằng Canada sẽ hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng đang “căng như dây đàn”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland hôm 25/8 cho biết: “Chúng tôi có trách nhiệm chính trị phải làm bất cứ điều gì có thể để giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng mà khu vực này đang phải đối mặt. Các nước biết rằng, Canada luôn ở bên họ và chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ châu Âu”.

Theo ông Morgan, nếu Canada tiếp tục các chính sách xây dựng đường ống dẫn dầu được tạo dựng dưới thời cựu Thủ tướng Stephen Harper, Canada chắc chắn sẽ sẵn có năng lực dồi dào hơn để hỗ trợ châu Âu.

Phương Tây cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đang tạo ra một "cuộc chiến năng lượng" nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây và làm suy yếu sự ủng hộ từ bên ngoài đối với Ukraine. (Nguồn: AA)

Phương Tây cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đang tạo ra một "cuộc chiến năng lượng" nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây và làm suy yếu sự ủng hộ từ bên ngoài đối với Ukraine. (Nguồn: AA)

Dù chính quyền liên bang đã đầu tư dự án mở rộng đường ống Trans Mountain vào năm 2018 trị giá lên tới 4,5 tỷ USD, nhưng dự án này sau đó liên tục vấp phải những trở ngại từ những nhà hoạt động môi trường.

Sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ giấy phép của dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 9 tỷ USD vào ngày đầu tiên nhậm chức 20/1/2021, giáng một đòn chí mạng vào dự án đã tồn tại từ lâu với công suất vận chuyển 830.000 thùng dầu cát/ngày từ tỉnh Alberta (Canada) đến bang Nebraska (Mỹ).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi dự án Keystone XL được tái khởi động, Canada cũng sẽ phải mất nửa thập kỷ đầu tư và xây dựng để đưa nguồn tài khuyên dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu.

Chuyên gia Johnston dự báo, ngay cả sau khi cuộc xung đột Ukraine kết thúc, các quốc gia châu Âu có thể sẽ không thể hoàn toàn dựa vào nguồn năng lượng cung cấp từ Nga như trước đây. Lúc này, dầu và khí đốt của Canada có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của toàn cầu.

Bài toán cân bằng mục tiêu kinh tế và giảm phát thải

Tu Nguyen, chuyên gia kinh tế, Giám đốc môi trường, xã hội và quản trị tại RSM Canada nhận định, bất chấp những chậm trễ trong việc xây dựng đường ống dẫn dầu, ngành dầu khí vẫn đang đóng vai trò là “xương sống” của nền kinh tế Canada.

Sản lượng dầu của Canada hiện chủ yếu tập trung ở những bãi cát dầu tại tỉnh Alberta. Trữ lượng lớn và phong phú của khu vực này đã đưa Canada trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất bên ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Tuy nhiên, theo chuyên gia Tu Nguyen, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các dự án khai thác dầu đã chịu nhiều sự phản đối từ phía dư luận xã hội và cộng đồng đầu tư khi nhiều nhà đầu tư cho rằng phát triển kinh tế cần phải chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch để xây dựng “một tương lai tốt đẹp hơn”.

Ông Johnston cho rằng, nhiều chính phủ, doanh nghiệp trong ngành đã nhận ra “tầm quan trọng của việc khử carbon trong nền kinh tế”, đồng thời áp dụng các mục tiêu và chính sách phát thải để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; phát triển các công nghệ xanh, sạch như xe điện…

“Dù vậy, việc thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ trở nên vô cùng khó khăn bởi vai trò to lớn của nguồn nhiên liệu này trong các lĩnh vực như giao thông vận tải – đặc biệt là vận tải đường dài như ngành hàng không”, ông nói.

Vì vậy, với xu hướng giảm khí thải carbon trên toàn cầu, áp lực sẽ đè nặng lên các quốc gia xuất khẩu dầu khí như Canada trong vài năm tới, khi phải điều chỉnh giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu giảm phát thải do khai thác nhiên liệu hóa thạch.

(theo Global News)

Hồng Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-mo-khi-dot-canada-co-du-suc-thay-the-nga-giup-chau-au-ha-nhiet-khung-hoang-nang-luong-198658.html