Đau lưng khi nào cần đi khám?

Đau lưng là vấn đề rất thường gặp, có khoảng 65 - 80% dân số bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến bệnh nhân đến với bác sĩ hoặc phải nghỉ việc và là một trong nhiều nguyên nhân gây tàn tật trên thế giới.

Nguyên nhân gây đau lưng

Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng đau lưng, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của đau lưng gồm:

- Do căng cơ và dây chằng: Khi nâng vật nặng nhiều lần hoặc đột ngột vận động sai tư thế có thể dẫn đến căng cơ và dây chằng vùng cột sống lưng dẫn đến đau kiểu co thắt ở vùng lưng.

- Do viêm đốt sống: Do lão hóa, di truyền và tiến triển theo thời gian, các khớp của cột sống có thể bị viêm và gây đau, cứng khớp.

- Do thoát vị đĩa đệm: Nhân nhầy trong đĩa đệm có thể bị thoái hóa mất tế bào hoặc bị viêm dẫn đến đau thắt lưng thấp. Phần đĩa đệm phình hoặc thoát vị ra có thể chèn ép vào rễ ra của thần kinh tủy sống dẫn đến đau chân, đau lưng.

- Do đau khớp cùng chậu: Khớp cùng chậu là khớp tiếp nối giữa khung chậu và xương cùng của cột sống. khi bị viêm hoặc tiến triển theo thời gian có thể dẫn đến đau vùng mông hoặc vùng sau của bắp đùi.

- Do bất thường ở xương: Cong vẹo bất thường của cột sống, khuyết tật hoặc bất thường về kích thước xương của cột sống có thể dẫn đến đau lưng.

- Do nhiễm khuẩn và các khối u ảnh hưởng đến các đốt sống và ống sống có thể dẫn đến đau lưng.

Đau lưng không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc đau lan xuống một hoặc cả 2 chân cần phải khám ngay.

Triệu chứng đau lưng

Đau lưng thường được mô tả là cảm giác đau nhức vùng cột sống thắt lưng, đau có thể từ lưng lan xuống mông, đùi, cẳng bàn chân một hoặc hai bên.

Các dấu hiệu và triệu chứng của đau lưng có thể bao gồm:

- Đau các cơ cạnh cột sống.

- Đau buốt hoặc nhói như bị dao đâm.

- Đau lan xuống chân.

- Đau có thể tăng lên khi cúi ưỡn, mang vác vật nặng, đứng hoặc đi.

- Đau giảm khi nằm.

Khi nào đau lưng cần gặp bác sĩ?

Khi nào đau lưng cần phải đến gặp bác sĩ là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Trên thực tế hầu hết các hiện tượng đau lưng sẽ dần dần cải thiện khi điều trị hoặc tự chăm sóc tại nhà, thường trong vòng một vài tuần. Nếu cơn đau không giảm trong khoảng thời gian này phải cần đến sự thăm khám của bác sĩ.

Trong một số ít trường hợp đau lưng có thể là một dấu hiệu của một bệnh rất nặng. Vì vậy, người bệnh đau lưng cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu cơn đau lưng có các biểu hiện xuất phát từ các vấn đề của ruột và bàng quang. Hay đau lưng có các biểu hiện khác như sốt, đau lưng sau khi ngã, đánh vào lưng hoặc sau chấn thương.

Đau lưng không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc đau lan xuống một hoặc cả 2 chân, đặc biệt trong trường hợp đau lan rộng xuống phía dưới gối cũng phải đi khám ngay. Đau lưng kèm theo yếu, tê bì, cảm giác kiến bò ở 1 hoặc cả 2 chân. Đau lưng kèm theo giảm cân không rõ nguyên nhân.

Đau lưng ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Nếu người có các bệnh tiền sử loãng xương, sử dụng corticoid, lạm dụng thuốc hoặc rượu, đau lần đầu sau 50 tuổi… cũng cần phải khám ngay.

Cần lưu ý những triệu chứng lâm sàng thường có giá trị trong việc điều trị. Các chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng chỉ được chỉ định trong trường hợp cần thiết khi nghi ngờ chẩn đoán khác hay khi cần can thiệp phẫu thuật khi điều trị nội thất bại.

Về điều trị, trường hợp phát hiện sớm đau lưng cần nghỉ ngơi và thay đổi chế độ vận động. Thoái hóa hoặc đau lưng ở giai đoạn đầu, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc giúp làm chậm hoặc ngăn quá trình hư hại đốt sống. Trong giai đoạn này, có thể kết hợp vật lý trị liệu, thuốc giảm đau, kéo giãn và nắn cột sống, tiêm corticoid.

Trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn muộn, hoặc phát hiện bệnh sớm nhưng điều trị sai cách, khiến bệnh tiến triển nặng cần can thiệp phẫu thuật, nghiệm pháp kích thích thần kinh trong một số trường hợp và chăm sóc sức khỏe phối hợp (massage và châm cứu).

Tóm lại: Đau lưng nếu không điều trị thì không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn có thể khiến tình trạng bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn như: hạn chế vận động, mất tập trung, giảm trí nhớ,…

Nhiều trường hợp trì hoãn việc điều trị quá lâu có thể gây yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hay mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động.

Một số trường hợp nặng hơn có thể gây chèn ép hệ thần kinh, gây rối loạn tiểu. Do đó, để hạn chế tối đa các tác động xấu đến sức khỏe, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Ths. BS. Nguyễn Xuân Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-lung-khi-nao-can-di-kham-16923112607345421.htm