Đâu là 'nước cờ' cho doanh nghiệp Việt níu chân người mua?

Điều lo lắng nhất của các doanh nghiệp Việt là dù bước vào mùa mua sắm cuối năm nhưng có thể sức mua vẫn yếu. Và để níu chân người mua trước mối lo này thì bất kỳ 'nước cờ' nào của phía doanh nghiệp cũng đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuyển dịch trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng và khả năng xác định nhạy bén các xu hướng mới.

Những dự báo mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect cho thấy, nhu cầu trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm này. Điều đó nhờ vào tác động tích cực từ chính sách mở rộng tài khóa (giảm thuế, phí, tăng lương cơ bản,...) và sự phục hồi của cho vay tiêu dùng trong bối cảnh lãi suất giảm. Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sẽ cải thiện triển vọng kinh doanh và thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng sản lượng.

Mùa mua sắm cuối năm vẫn lo sức mua yếu

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả của những cuộc khảo sát doanh nghiệp (DN) trong tháng 9/2023 của Vietnam Report sẽ thấy điều mà các DN đang lo lắng nhất chính là sức mua yếu trong mùa mua sắm cuối năm.

Mối lo của các nhà bán lẻ trong mùa mua sắm cuối năm nay là sức mua yếu dù cho họ liên tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng.

Mối lo của các nhà bán lẻ trong mùa mua sắm cuối năm nay là sức mua yếu dù cho họ liên tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng.

Chẳng hạn như kết quả khảo sát từ các DN bán lẻ đã chỉ rõ trong phần còn lại của năm thì câu chuyện sức mua yếu tiếp tục là mối lo chính với sự đồng thuận của 100% số DN.

Còn với các DN thực phẩm và đồ uống (F&B), đánh giá triển vọng những tháng còn lại của năm, phần lớn DN cho rằng thị trường F&B sẽ lạc quan hơn so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm rất nhiều so với năm trước, từ 94,4% xuống 61,6%. Bên cạnh đó, 15,4% DN cho rằng thị trường F&B sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi khảo sát năm 2022 không có DN nào nhận định như vậy.

Ngoài hai lĩnh vực nêu trên, xét về Top 7 khó khăn ảnh hưởng đến các DN nói chung trong năm 2023, trong các yếu tố được DN chỉ ra thì sức mua yếu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn là hai rào cản lớn nhất trong những tháng cuối năm với lần lượt 77,3% và 72,7% số DN lựa chọn.

Trong khi đó, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), sức cầu trong nước cũng chững lại do sự giảm dần hiệu ứng xuất phát điểm thấp của giai đoạn phục hồi sau Covid trong năm ngoái và do niềm tin của người tiêu dùng đang yếu đi. Vấn đề thị trường tiêu thụ khó khăn đã góp phần làm tăng lượng hàng tồn kho ngoài dự kiến, gây áp lực không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN.

Trong vấn đề về sức mua, nhìn lại 2 năm bình thường mới sau đại dịch Covid-19, liên hệ ở lĩnh vực thời trang may mặc của Việt Nam, Phó giáo sư Donna Cleveland (một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và thiết kế) cho rằng, hậu quả kinh tế của đại dịch đã khiến chi tiêu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng xấu đến các DN thời trang địa phương. Việc gia tăng hàng tồn kho chưa bán được khiến vấn đề càng trầm trọng thêm.

Trước mối lo về sức mua trong các tháng cuối năm nay như đã nêu ở trên, trong bối cảnh thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua, có thể thấy điều mà các DN Việt cần làm trong lúc này là cần nắm rõ được khuynh hướng tiêu dùng để có những “nước cờ” linh hoạt nhằm níu chân người mua và cải thiện sức mua.

Như khảo sát từ Vietnam Report cho thấy, sự gia tăng áp lực tài chính thời gian qua đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có chọn lọc hơn. Thực tế, ở bất kỳ thời điểm nào, giá cả luôn là mối bận tâm của người tiêu dùng. Trong các giai đoạn khó khăn, yếu tố giá cả càng được chú trọng và là vấn đề nhạy cảm với sức mua. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, từ công dụng, nguồn gốc, hạn sử dụng hay độ an toàn…để đảm bảo nhận được giá trị tốt nhất cho số tiền mình bỏ ra.

Nhạy bén trước chuyển dịch của người mua

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt và mong đợi sự nhất quán và liền mạch giữa trải nghiệm trực tuyến và tại cửa hàng.

Còn xét riêng về kênh mua sắm trực tuyến, rõ ràng, với tỷ lệ người sử dụng Internet tăng lên đến mức 79,1% dân số, trung bình mỗi người dành hơn 6 tiếng theo dõi nội dung trên mạng (theo báo cáo Digital 2023: Vietnam), không khó để lý giải sự phát triển ấn tượng của kênh bán hàng này.

Khi phân tích thứ tự ưu tiên đối với kênh mua hàng theo danh mục sản phẩm, thương mại điện tử đã tạo được sự thu hút mạnh mẽ và thậm chí nhỉnh hơn về tỷ lệ người tiêu dùng ưa thích, trong các danh mục thiết bị số (67,9%), Thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh (54,9%) hay sách báo, tạp chí, văn phòng phẩm (52,8%).

Cho lời khuyên với các nhà bán lẻ vốn đang lo lắng về sức mua, giới chuyên gia nhấn mạnh khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp thì các DN cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực về sức mua.

Theo Ts. Alrence S. Halibas (Đại học RMIT), có thể kỳ vọng rằng nhiều DN Việt sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án đa kênh để đáp ứng nhu cầu, sở thích và kỳ vọng đang thay đổi của người tiêu dùng. Nhất là khi người tiêu dùng Việt dần quen với bán lẻ đa kênh, hình thức này cũng dần trở thành chuẩn mực và xu hướng mới trong ngành bán lẻ.

“Các nhà bán lẻ cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Họ có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm phong phú trên nền tảng di động bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo hay thực tế tăng cường, nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID), mã QR, phân tích dữ liệu từ hành vi mua sắm trong cửa hàng, metaverse…”, Ts. Halibas chia sẻ.

Ngoài ra, có lẽ cũng nên tham khảo cách làm của một vài thương hiệu lớn trên thế giới để giữ chân người tiêu dùng trong lúc khó khăn này. Đơn cử như chuỗi cửa hàng tạp hóa Hema của Alibaba kết hợp hoạt động bán lẻ trực tiếp và trực tuyến, đồng thời kiêm nhiệm thêm chức năng trung tâm phân phối vi mô hoặc trung tâm giải quyết đơn hàng. Khách hàng có thể sử dụng mã vạch để tìm hiểu thông tin sản phẩm. Họ còn có thể thanh toán trực tuyến bằng hệ thống thanh toán của Alibaba hoặc trực tiếp tại các ki-ốt nhận diện khuôn mặt.

Một ví dụ khác là trải nghiệm bán lẻ kỹ thuật số – kết hợp liền mạch giữa cửa hàng bán lẻ thực tế, thương mại điện tử và hành trình của khách hàng trên thiết bị di động. Sự pha trộn giữa thực tế và kỹ thuật số tạo ra trải nghiệm khách hàng toàn diện và chân thực hơn.

Nói chung, “nước cờ” mà các DN Việt nên xem xét triển khai là cần có chiến lược đa kênh dài hạn để duy trì sự ưa chuộng của người tiêu dùng và không bị tụt hậu so với đối thủ.

Không những vậy, khi mà sức chi tiêu yếu vẫn là một vấn đề lớn trong thời gian tới thì đòi hỏi các DN cần tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên…để cải thiện sức mua. Các DN cũng tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để tìm hiểu sở thích và phản ứng của người tiêu dùng nhằm xây dựng một kế hoạch níu chân người mua một cách khả thi.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dau-la-nuoc-co-cho-doanh-nghiep-viet-niu-chan-nguoi-mua-1095552.html