Đâu là 'biến số' quan trọng của Thượng đỉnh Mỹ-Trung?

Đài Loan (Trung Quốc) sẽ là một trong những 'biến số' quan trọng để xác định xem liệu cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình có được tổ chức hay không.

Ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc tiếp xúc ở Bắc Kinh năm 2013. (Nguồn: Getty)

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt tay thúc đẩy dự án kết nối các quốc gia ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Một khi đã hoàn thành xây dựng “liên minh chống Trung Quốc trên toàn cầu”, với khí thế thắng lợi đối ngoại, rất có thể ông Biden "nóng lòng" muốn "đọ sức" với đối thủ số 1.

Theo đó, dự kiến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra sớm nhất là vào cuối tháng 10/2021. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này (nếu thực sự diễn ra) sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến địa chính trị toàn cầu và trật tự thế giới.

Đài Loan sẽ là một trong những "biến số" quan trọng để xác định xem liệu cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có được tổ chức hay không, và kết quả của hội nghị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hòn đảo này.

Màn khởi động cho chiến lược Mỹ-Trung

Chiến dịch "tấn công ngoại giao" đầu tiên của Tổng thống Biden là chuyến công du châu Âu để lần lượt tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Anh, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các mục tiêu của ông Biden bao gồm: Khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ, xây dựng trật tự thế giới đấu tranh giữa dân chủ và chuyên chế, lấy luật lệ làm nền tảng, xử lý cạnh tranh chiến lược cường quyền, tái khẳng định chủ nghĩa đa phương, cùng ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu... và kết quả đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, cốt lõi của tất cả các mục tiêu vẫn là Trung Quốc, và chuyến công du châu Âu của ông Biden chỉ là màn khởi động cho cuộc đối đầu chiến lược Mỹ-Trung bước vào giai đoạn quyết định.

Cuộc đối thoại giữa ông Biden và ông Putin có thể được coi là "khúc dạo đầu" của cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình”.

Ngày 17/6, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói, hiện là thời điểm các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc “xem xét kỹ vai trò của mình trong mối quan hệ này. "Không loại trừ khả năng Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vào cuối tháng 10 tới".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Thượng đỉnh Mỹ-Trung là nhằm thể hiện cam kết ngoại giao của Tổng thống Biden, không phải bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước.

Khi nói về mối quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó, ông Biden đã đặc biệt nhấn mạnh rằng ông hiểu rất rõ về nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng “không phải là bạn cũ”, mà đơn thuần chỉ là vì công việc.

Tổng thống Biden đã cố tình "làm nhạt" mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình để làm nổi bật phong cách và vị thế mạnh mẽ của Mỹ, tạo điều kiện có lợi nhất cho đàm phán.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO, lãnh đạo các nước đều thể hiện sự nhất trí cao về các giá trị chung như dân chủ, tự do và nhân quyền, cũng như việc thiết lập một trật tự thế giới tự do, đồng thời hoan nghênh sự trở lại của chủ nghĩa đa phương và khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Các nước thành viên NATO cũng lần đầu tiên liệt Trung Quốc vào danh sách các mối đe dọa an ninh, nhất trí khẳng định rằng “tham vọng công khai và hành vi độc đoán của Trung Quốc tạo nên thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”.

Tuy nhiên, "thành Rome không thể được xây trong một ngày", nên việc đoàn kết các quốc gia tương đồng quan điểm cũng không thể đạt được trong chuyến thăm kéo dài 1 tuần của ông Biden.

Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phi tự do vẫn là những trở ngại cho sự đoàn kết của các quốc gia, thậm chí có thể phá hoại hòa bình và hợp tác.

Các nước châu Âu vẫn nghi ngờ liệu ông “Donald Trump phiên bản 2.0” có giành lại quyền lực trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 hay không, thậm chí trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm tới, liệu chủ nghĩa bảo thủ cực đoan có trỗi dậy hay không?

Do đó, châu Âu vẫn thận trọng trong việc duy trì chủ quyền và quyền tự chủ, không phải việc gì cũng nghe theo sự dẫn dắt của Mỹ.

"Biến số" Đài Loan

Điều tinh tế nhất là mặc dù Mỹ và châu Âu đoàn kết trên tinh thần chống lại Trung Quốc, nhưng vẫn có sự khác biệt lớn giữa hai bên về cách xử lý quan hệ với Bắc Kinh trên bình diện thực tế.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói “Trung Quốc là đối thủ của chúng ta trong nhiều vấn đề, nhưng cũng là đối tác của chúng ta ở nhiều cấp độ”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, G7 cần hợp tác với Trung Quốc về khí hậu, thương mại, phát triển và các vấn đề khác, không nên là “câu lạc bộ chống Trung Quốc”.

Tuyên bố chung và thông cáo chung không có nghĩa là hành động cụ thể. Mặc dù chuyến công du châu Âu của ông Biden đã đặt nền tảng chống Trung Quốc, song việc các nước vận hành quan hệ với Bắc Kinh như thế nào và Mỹ phản ứng ra sao mới thực sự quyết định kết quả.

Đối mặt với sự tấn công và sức ép mạnh mẽ do Mỹ lãnh đạo, Trung Quốc chỉ trích NATO “mang đầy tư duy Chiến tranh Lạnh lỗi thời và luận điệu chính trị bầy đàn”, nhưng trọng tâm chính vẫn là vấn đề Đài Loan; phản đối tuyên bố chung của G7 đưa vào các câu như “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”, “khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề hai bờ eo biển”...

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, vấn đề đầu tiên Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh chính là “một Trung Quốc”. Điều này cho thấy xử lý hiệu quả vấn đề Đài Loan sẽ là điều kiện tiên quyết của mối quan hệ Mỹ-Trung và việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Trung.

Gần đây, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã nói rõ tại Quốc hội rằng xác suất Trung Quốc phát động các chiến dịch quân sự là rất thấp, cơ bản vẫn sử dụng “biện pháp hòa bình” để đạt được mục tiêu thống nhất đất nước.

Là chỉ huy quân sự cao nhất của Mỹ, phát ngôn của ông Mark Milley rất có trọng lượng, giúp xoa dịu tình hình căng thẳng hai bờ eo biển.

Tuy nhiên, trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Trung, để tạo dựng một vị thế vững chắc và nắm vững lợi thế đàm phán, chính quyền của ông Biden sẽ không từ bỏ “quân bài Đài Loan” - vũ khí có sức kiềm chế mạnh nhất đối với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng không nhượng bộ trong vấn đề này.

Liệu cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể diễn ra suôn sẻ hay không? Hai nhà lãnh đạo sẵn sàng trả giá nào cho cuộc gặp? Trong những tháng tới, sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc và đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Biden từng mô tả cuộc gặp với ông Putin “không liên quan đến sự tin tưởng, mà lợi ích mới là điều then chốt”, và quan điểm này dường như sẽ phù hợp với cuộc gặp giữa ông với Chủ tịch Tập Cận Bình và quan hệ Mỹ-Trung.

Do đó, những tháng tới được đánh giá sẽ là thời điểm quan trọng cho tương lai của Đài Loan.

(theo China Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-la-bien-so-quan-trong-cua-thuong-dinh-my-trung-149533.html